Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 11.04.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 11.04.2021

By H'Dên in NAM GIỚI on 6 Tháng Tư, 2021

Chúa nhật 11.04.2021 (CN Tương Trợ)

  1. Đề tài: YÊU THƯƠNG NGƯỜI LÂN CẬN.
  2. Kinh Thánh: Lu-ca 16:19-26.
  3. Câu gốc: “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời” (1Phi-e-rơ 4:10).
  4. Đố Kinh Thánh: 1Sa-mu-ên 21-24.
  5. Thể loại: Họp bạn.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 14.02.2021.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. DẪN GIẢI.

Ngày hôm nay, khi chúng ta đang sống yên bình, hạnh phúc trong mái ấm gia đình thì đâu đó quanh ta vẫn đang xảy ra bao cảnh nghèo đói, đau khổ, chết chóc, tang thương… vì động đất, lũ lụt, bão tố, dịch bệnh hoành hành. Biết bao cảnh đời đang bơ vơ, côi cút vì con mất cha, vợ mất chồng, gia đình ly tán, sống trong lầm than, đói rét…

Lời Chúa qua câu chuyện “Người giàu có và La-xa-rơ” như một tiếng chuông thức tỉnh tất cả những ai đang ngủ quên trong hạnh phúc bình yên của riêng mình mà thờ ơ với nỗi đau thương của đồng loại quanh ta mỗi ngày. Chúa Giê-xu đã tuyên bố: “Phúc cho kẻ có lòng thương người, vì sẽ được Chúa thương” (Mat 5:7).

  1. Thân phận (Lu-ca 16:19-21).

Hai con người ở hai điểm đối nghịch trên bậc thang giai cấp xã hội. Một người là phú hộ giàu có, mặc toàn gấm vóc, lụa là, bữa ăn hằng ngày là yến tiệc linh đình với sơn hào hải vị. Xét về phương diện vật chất, ông ta có đầy đủ mọi sự, chẳng thiếu thốn gì cả! Còn người kia, có tên là La-xa-rơ, nghĩa là “được Đức Chúa Trời giúp đỡ” lại mang thân phận thấp hèn, đói nghèo thảm hại… nằm bên ngoài cổng nhà phú hộ kia, chẳng có ai đoái hoài, ngoài đàn chó hằng ngày quanh quẩn liếm ghẻ chóc mà thôi!

  1. Sự chết: Vả, người nghèo chết, thiên sứ đem để vào lòng Áp-ra-ham. Người giàu cũng chết, người ta đem chôn” (Câu 22).

Sự chết là mẫu số chung thú vị nhất cho cả hai nhân vật, dĩ nhiên người giàu chết trên nhung lụa, trong lầu son gác tía, có nhiều người than khóc tiễn đưa… và chắc chắn đã được mai táng một cách long trọng, cầu kỳ xa hoa…

Người nghèo La-xa-rơ thì có lẽ đã trút hơi thở cuối cùng trong cái đói, cái rét, cái nhức nhối cùng cực bởi trên thân thể ghẻ lở, hôi hám, cô đơn… Và có thể giả định rằng người ta đã nhặt cái xác chết vô thừa nhận này để đưa ra ngoại thành, ném vào “Trũng Hinom” là nơi chứa rác thải, súc vật chết và những kẻ lang thang ăn mày như La-xa-rơ tội nghiệp kia… Điều đặc biệt trong câu chuyện này là “Thiên sứ đem để vào lòng Áp-ra-ham” (nơi an nghỉ của người công chính, tin vào hứa ngôn của Thiên Chúa).

Chúng ta biết rằng sự chết xảy ra khi hồn lìa khỏi xác, nhưng đó chưa phải là sự chết cuối cùng, nó chỉ là bước khởi đầu cho một sự sống mới ở một thế giới mới.

  1. Kết cục (Lu-ca 16:23-26).

La-xa-rơ được tổ phụ Áp-ra-ham đón tiếp vào nơi hạnh phúc, còn người giàu có thì bị khốn khổ trong cái nóng thiêu đốt của chốn ngục hình. Ông ta nài xin Áp-ra-ham sai La-xa-rơ nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ vào lưỡi của ông để giảm bớt cơn khát khủng khiếp đang hành hạ mình… Thế nhưng, Áp-ra-ham cho ông biết rằng có một khoảng cách xa thẳm phân cách giữa hai nơi, không thể nào vượt qua được… (Cái khoảng cách do chính người giàu đã tạo nên bởi trái tim lạnh lùng, vô cảm, sự nhẫn tâm đối với đồng loại khi còn sống trên cõi đời).

Cái vực thẳm được đào sâu bởi khoảng cách chỉ tính từ cái Cổng, nơi La-xa-rơ nằm rét lạnh, đói khát vào đến Bàn ăn đầy tràn cao lương, mỹ vị đã trở thành một vực sâu không thể vượt qua, đó là “Khoảng cách của sự khao khát” vô tận. Giờ đây, người giàu có không chỉ khao khát một giọt nước như là khát khao một chút tình, một chút lòng xót thương mà trước kia chính ông đã từ chối, đã lạnh lùng, thờ ơ đối với La-xa-rơ.

Như thế, hình phạt chính yếu trong cõi đời đời không chỉ là lửa hừng thiêu đốt… mà chính là sự đau khổ vì nỗi khao khát tình yêu êm đềm, dịu ngọt từ Thiên Chúa, là sự đói khát đời đời nguồn hạnh phúc yêu thương trong vô vọng. Kết cục bi thảm của người giàu có trong câu chuyện Phúc âm là bài học nhắc nhở cho tất cả những ai ngày hôm nay đang sống vị kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mà quên đi những nỗi khổ đau của đồng loại.

  1. Đáp án.

Luật pháp của Đức Chúa Trời đã được Chúa Giê-xu tóm lược thành hai điều “Kính Chúa và Yêu người” (Mat 22:36-40). Như thế, sự dửng dưng, thờ ơ trước những nỗi đau thương của đồng loại là một thái độ nguy hiểm nghiêm trọng. Bởi vì nó làm cho con người trở nên vô cảm, trơ trơ như gỗ đá, đánh mất tính người và không có tình người. Hậu quả là khiến cho người giàu có xa cách Đức Chúa Trời, không thuộc về Ngài. Sứ đồ Giăng quả quyết rằng: “Ai không yêu thì không biết Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương” (1Giăng 4:8).

Trong cuộc sống, không có ai quá nghèo đến mức không có gì để chia sẻ cho người khác. Có thể là một nụ cười tươi tắn, thân thiện, có thể là một ánh mắt trìu mến, cảm thông. Một thái độ tôn trọng, một lời chào hỏi ân cần… Một ly nước mát, một bát cơm, một bóng mát nghỉ chân cho người đi đường mệt nhọc… và còn rất nhiều điều chúng ta có thể san sẻ cho nhau. Chính những nghĩa cử ấy sẽ đem lại giá trị cao quý, thiêng liêng… nếu được thực hiện bởi “một tấm lòng. “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời” (1Phi-e-rơ 4:10).

Chuyện kể rằng…

Vào một đêm đông giá rét, có sáu con người, do sự tình cờ của số phận, họ bị mắc kẹt trong một hang động tối tăm và lạnh lẽo. Mỗi người chỉ còn một que củi nhỏ trong khi đống lửa đang lụi dần.

Người phụ nữ đầu tiên định quăng que củi vào lửa, nhưng đột nhiên rụt tay lại. Bà vừa nhìn thấy một khuôn mặt da đen trong nhóm người da trắng. Người thứ hai lướt qua từng khuôn mặt đang ngồi quanh đống lửa, thấy một người trong số đó không cùng tôn giáo với mình, thế là thanh củi cũng bị thu về. Người thứ ba trong bộ quần áo nhàu nát, nghèo khổ. Ông ta kéo áo lên tận cổ, nhìn người đối diện, nghĩ thầm: “Tại sao mình lại phải hy sinh thanh củi để sưởi ấm cho tên nhà giàu kia?”

Người đàn ông giàu có lùi lại một chút, nhẩm tính: “Thanh củi trong tay, phải khó nhọc lắm mới kiếm được, tại sao ta phải chia sẻ nó với tên khố rách áo ôm, lười biếng đó?”. Ánh lửa bùng lên 1 lần cuối, soi rõ khuôn mặt người da đen đang đanh lại, lộ ra những nét hằn thù: “Không, ta không cho phép mình dùng thanh củi này sưởi ấm những gã da trắng!” Còn lại người cuối cùng trong nhóm, nhìn những khuôn mặt đang trầm ngâm trong im lặng, anh ta tự nhủ: “Mình sẽ cho thanh củi, nếu có ai đó ném thanh củi của họ vào đống lửa trước”.

Cứ thế, đêm xuống dần. Sáu con người nhìn nhau căng thẳng, tay nắm chặt những khúc củi. Đống lửa chỉ còn than đỏ rồi lụi tắt. Sáng hôm sau khi những người cứu hộ tới nơi, cả 6 con người đều đã chết cóng. Một kết cục để lại cho những người còn đang sống nhiều điều phải nghĩ suy… 

Sứ đồ Giăng quả quyết rằng: “Vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được” (1Giăng 4:20b).

Sự sống của ngày mai đã bắt đầu từ hôm nay, ngay chính lúc này. Thiên Chúa nhân từ vẫn cho chúng ta còn có cơ hội để lựa chọn. Chúng ta sẽ quyết định về ngày mai của mình thế nào? Hãy lắng nghe Lời Chúa nhắc nhở: “Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, vì chúng ta yêu anh em mình. Còn ai chẳng yêu thì ở trong sự chết” (1Giăng 3:14). Chúng ta đã thực sự vượt khỏi sự chết “vì chúng ta yêu anh em mình” hay vẫn còn đang ở trong sự chết vì chỉ biết yêu chính bản thân? Nguyện xin Cha từ ái giúp chúng ta luôn biết mến yêu và phục sự Chúa trong mọi người.

 

 

 

 

Post CommentLeave a reply