Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 07.02.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN PHỤ NỮ. 07.02.2021

By H'Dên in PHỤ NỮ on 1 Tháng Hai, 2021

Chúa nhật 07.02.2021
1. Đề tài: SỰ HÒA GIẢI.
2. Kinh Thánh: Cô-lô-se 1:15-23.
3. Câu gốc: “Vì chưng Đức Chúa Trời đã vui lòng khiến mọi sự đầy dẫy của mình chứa trong Ngài, và bởi huyết Ngài trên thập tự giá, thì đã làm nên hòa bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hòa thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời” (Cô-lô-se 1:19-20).
4. Đố Kinh Thánh: Không đố Kinh Thánh.
5. Thể loại: Trò chơi lớn.
* CHỈ DẪN: Trò chơi lớn.
Địa điểm: Khuôn viên nhà thờ (hoặc nơi sinh hoạt).
Thời gian: 90 phút.
I. CHUẨN BỊ.
– Cần ít nhất 2 người để phối hợp soạn câu đố Kinh Thánh và đặt mật thư tại mỗi trạm, chấm điểm, theo dõi để có thể hướng dẫn khi cần. Chuẩn bị nội dung cho mỗi trạm để các nhóm thảo luận, cung cấp giấy bút cho các nhóm có yêu cầu. Sau khi nhận mật thư, cả nhóm sẽ tham gia giải mật thư, trình ban tổ chức và đến trạm kế tiếp…
– Mật mã: Từ nhiều tuần trước, hướng dẫn ban viên ôn lại chữ điện tín, các mật mã đã dùng trong các tài liệu trước và học thêm mật mã mới. Chỉ nên dùng mật mã nào ban viên có thể dịch thành thạo.
Ôn chữ: Â = AA , Ă = AW, Ê = EE, Ư = UW = W,
Ô = OO, Đ = DD, O = OW, ƯƠ = UOW.
Các dấu: Sắc = S, Huyền = F, Hỏi = R, Ngã = X, Nặng = J
– Mật thư: Mật thư phải được viết và giữ kín đáo, kiểm tra kỹ để tránh sai sót. Nội dung mật thư là một mệnh lệnh hoặc gợi ý về những nhân vật, nơi chốn… Mật thư phải ngắn gọn và đủ ý nghĩa. Mật thư được giấu tại trạm hay do người đứng trạm giữ. Nếu đặt tại trạm, không nên tập trung tại một chỗ.
– Địa điểm: Vẽ những dấu chỉ đường.
– Vật dụng: Kinh Thánh, các bản mật mã đã học.
– Thông báo cho ban viên đọc trước Cô-lô-se 1:15-23.
II. THỰC HIỆN.
1. Thể lệ cuộc thi và cách chấm điểm.
a. Thể lệ cuộc thi.
– Tất cả nhóm viên tham gia đầy đủ.
– Đến trạm, phải xếp hàng ngay ngắn và báo cáo kết quả của trạm trước.
– Thực hiện tất cả yêu cầu tại mỗi trạm.
b. Cách chấm điểm.
– Tinh thần tham gia (đầy đủ nhóm viên) 10 điểm.
– Giải chính xác mật thư 10 điểm.
– Thực hiện đạt yêu cầu tại trạm 10 điểm.
– Đến trạm sớm nhất 10 điểm.
– Thực hiện tốt nội dung thảo luận 10 điểm.
2. Diễn tiến trò chơi.
a. Mở đầu: Ban tổ chức chia số người tham gia sinh hoạt ra làm nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 8-10 người. Nhóm xếp hàng dọc. Cử nhóm trưởng và thư ký nhóm, đặt tên nhóm. Khi các nhóm đã ổn định, người hướng dẫn giới thiệu chủ đề: SỰ HÒA GIẢI. Nhắc cho phụ nữ biết rằng không bởi sự hy sinh của Chúa Giê-xu thì chúng ta không được tha thứ. Nguyện Chúa giúp đỡ để chúng ta cứ tiếp tục sống cuộc sống hòa thuận lâu dài với Ngài.
b. Xuất phát: Cho các nhóm tập trung tại điểm xuất phát, ban tổ chức phổ biến thể lệ cuộc thi và phát cho mỗi nhóm một câu đố Kinh Thánh nếu nhóm nào giải trước thì sẽ được nhận mật thư trước và được số điểm cao nhất.
Câu đố: Mọi vật được dựng nên bởi ai? (Đáp án: Cô-lô-se 1:15).
Mật thư 1: Khóa: Mưa rào
U
V
A O A
D A O F
J U T N M
N D O J V
W G D W D
R N S U C
G O G V W
A N X U
I G T
F N
– Cách làm: Chuyển thành chữ điện tín. Viết vào khung như trên. Nhóm nào giải mật thư trước được hướng dẫn đến trạm 1.
 Trạm 1.
Yêu cầu 1: Dựa vào Kinh Thánh điền vào các khoảng trống sau: (tùy trình độ của ban viên mà bạn có thể để hoặc không để địa chỉ Cô-lô-se 1:15-17).
Ấy chính Ngài là __________________ không thấy được ___________ đầu hết thảy ____________ Vì muôn vật ____________ bất luận trên trời, __________, vật không thấy được, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền _____________, vì Ngài mà được dựng nên cả ______________. Ngài có trước muôn vật, và muôn vật đứng vững trong Ngài.
Yêu cầu 2: Mỗi nhóm hát một bài có nội dung sự hy sinh của Chúa.
Thực hiện xong yêu cầu của trạm 1, nhóm sẽ được nhận mật thư 2 để giải mã.
Mật thư 2: 2 15 23 9 18 – 8 21 25 5 5 20 19 – 14 7 1 9 6 – 20 18 5 5 14 – 20 8 1 1 16 10 – 20 21 23 10 – 7 9 1 19 – 20 8 9 6- 4 4 1 24 – 12 1 13 6 – 14 5 5 14 – 8 15 1 6 – 2 9 14 8 6
: A! Cô ấy luôn đứng đầu.
(Bật mí: Dùng mã chữ số thế mật thư trên theo thứ tự bảng chữ cái: A=1, B=2, C=3, D=4, E=5, F=6, G=7, H=8, I=9, J=10, K=11, L=12, M=13, N=14, O=15, P=16, Q=17, R=18, S=19, T=20, U=21, V=22, W=23, X=24, Y=25).
Nhóm nào giải mật thư trước được hướng dẫn đến trạm 2.
 Trạm 2.
Yêu cầu: Tập trung nhóm thành hàng dọc, báo cáo số người trong nhóm.
Phát câu hỏi viết sẵn trên giấy, cho nhóm thảo luận và trả lời ra giấy hoặc hỏi đáp:
Đọc Cô-lô-se 1:21-23 và trả lời các câu hỏi sau:
1. Tại sao chúng ta lại xa cách Đức Chúa Trời?
2. Bởi đâu mà chúng ta hòa thuận với Đức Chúa Trời?
3. Vì mục đích gì mà Chúa muốn chúng ta được hòa thuận?
Sau khi trả lời xong những câu hỏi ở trạm 2, nhóm sẽ nhận mật thư 3.
Mật thư 3:
Khóa: Bão xoáy.
M
I E E N X L
S
C A C H S A
A
N G F V F
U
A U A
H V X G N W N
C N I T M E H
– Cách làm: Chuyển thành chữ điện tín. Viết vào khung như trên. Nhóm nào giải mật thư trước được hướng dẫn đến trạm 3.
 Trạm 3.
– Tập trung nhóm thành một hàng dọc và báo cáo số nhóm viên, trình bản giải mật thư.
– Phát lệnh: Trở về điểm xuất phát (Trở về phòng nhóm và nghỉ giải lao 10 phút).
3. Kết thúc.
– NHD cùng ban Phụ nữ tóm lược lại nội dung sứ điệp: Sự hòa giải.
– Kêu gọi các ban viên biết rằng mình đã được trở lại hòa thuận với Đức Chúa Trời bằng đức tin trong Chúa Cứu Thế Giê-xu nên phải sống xứng đáng với sự hy sinh của Ngài.
– Công bố kết quả và phát thưởng.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Hàng năm Hàn lâm viện Thụy Điển công bố danh sách những người được chọn để trao giải Nobel, một giải thưởng cao quý và giá trị của thế giới mà nhiều người biết đến. Giải thưởng Nobel mang tên của một nhà bác học đã chế tạo cốt mìn trong chiến tranh. Cốt mìn do ông chế tạo đã làm chết và bị thương nhiều người, mang thương tật cho đến suốt đời. Về sau nhà bác học này hối hận vì điều mình đã làm, ông làm di chúc để lại gia tài cho những người có công đem lại nền hòa bình cho nhân loại, hàn gắn những đổ vỡ chiến tranh, giải thưởng này mang tên giải hòa bình Nobel. Về sau có thêm nhiều giải trong nhiều lãnh vực khác như Nobel văn chương, Nobel vật lý, hóa học, y khoa… Dầu vậy giải Nobel hòa bình vẫn là một giải thưởng được nhiều người lưu ý nhất hàng năm vì ý nghĩa cao quý và tính chất nhân đạo của nó. Những người nhận giải thưởng này là những người có công, nỗ lực hòa giải mối hiềm khích giữa các phe phái hay quốc gia, đem lại hòa bình cho họ. Tổng thống Đại Hàn đã nhận được giải hòa bình Nobel này nhờ nỗ lực làm giảm bớt mối thù hận hàng chục năm qua giữa Nam và Bắc Hàn. Nhưng dù sao thì đó cũng chỉ là những nỗ lực đem lại sự hòa giải cho một số người, hay một quốc gia.
Có một mối hiềm khích lớn lao nhất mà con người không để ý: mối hiềm khích giữa Đức Chúa Trời và loài người từ thời sáng thế đến bây giờ, mối hiềm khích không gì hóa giải được. Nhưng rồi có một người tình nguyện đến làm sự hòa giải, đem lại sự hòa thuận giữa Đức Chúa Trời và loài người.
I. CỨU CHÚA CỦA CHÚNG TA (Cô-lô-se 1:15-18).
Đó là ai? Đó là Chúa Giê-xu Christ, Cứu Chúa của chúng ta. Trong khúc kinh văn này, Phao-lô đã chứng minh và khẳng định lời xác quyết của ông về Chúa Giê-xu.
Trước hết là ngôi vị của Ngài. (c.15): “Ngài là hình ảnh không thấy được của Đức Chúa Trời”, nói một cách khác, Ngài chính là Đức Chúa Trời hiện thân làm người. (1Giăng 4:12) “chưa hề có ai thấy Đức Chúa Trời…”, (Lu-ca 24:39) “hãy xem tay chân Ta, thật chính Ta, hãy rờ đến Ta, và hãy xem, Thần thì không có thịt xương”. Rõ ràng và quan trọng hơn hết trong (Giăng 1:14) “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật”, Giê-xu là Đức Chúa Trời. Đây là một câu nói vẫn còn gây khó chịu cho rất nhiều người, nhiều tôn giáo, nhất là Do thái giáo và Hồi giáo. Người Việt Nam công nhận có một ông Trời, nhưng nói rằng Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời thì họ cảm thấy khó tin. Mặc kệ sự không tin và khó chịu của họ, Chúa Giê-xu vẫn là Đức Chúa Trời không gì chối bỏ được.
Cũng có một cuộc đối thoại ngắn giữa Phi-líp và Chúa Giê-xu (Giăng 14:7-8) “Phi-líp thưa rằng, xin chỉ Cha cho chúng tôi, thì đủ rồi. Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Hỡi Phi-líp, ta ở cùng các ngươi đã lâu thay, mà ngươi chưa biết ta! Ai đã thấy ta tức là đã thấy Cha. Sao các ngươi lại nói rằng: Xin chỉ Cha cho chúng tôi”. Dĩ nhiên còn rất nhiều nơi trong Kinh Thánh đã khẳng định Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời.
Thứ hai là công việc của Ngài: (c.16-17) mô tả công việc của Chúa Giê-xu đã làm trong vũ trụ vạn vật: Tất cả mọi vật sinh ra và có được ở dưới trời đều do bàn tay sáng tạo của Ngài so sánh với (Sáng thế ký 1 và Giăng 1:1-18).
Thứ ba là chức vụ của Ngài: (c.18) lại cho thấy một khía cạnh khác, Chúa Giê-xu là đầu của Hội Thánh. Ngài là Đấng đã thành lập và hướng dẫn Hội Thánh trải qua hàng ngàn năm.
II. THẬP TỰ GIÁ (Cô-lô-se 1:19-20).
Một hình ảnh ngày hôm nay không còn xa lạ gì với thế giới loài người nữa: Đó là hình ảnh của chiếc thập tự trên nóc các giáo đường. Thập tự giá được biểu tượng cho tình yêu, nơi mà Chúa Giê-xu đã chịu đóng đinh và chết để đền tội thay cho nhân loại. Tuy nhiên tại đây Kinh Thánh cho chúng ta thấy một sứ mạng khác của thập tự giá. Nó đem lại sự hòa giải “và bởi huyết Ngài trên thập tự giá, thì đã làm nên hòa bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hòa thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời”.
Sáng thế ký 2,3 mô tả những giai đoạn liên hệ giữa Đức Chúa Trời và con người. Sáng thế ký 2:8-25 cho thấy một cảnh sống hòa thuận êm đềm giữa đôi bên, A-đam và Ê-va sống trong vườn Ê-đen trong sự chăm sóc bảo vệ của Đức Chúa Trời. Qua đến đoạn 3 cả hai bị con rắn cám dỗ phạm tội cùng Chúa, (c.23) là một kết cuộc bi thảm: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn đuổi loài người ra khỏi vườn Ê-đen”, tệ hơn nữa trong (c.24) “đặt tại phía đông vườn Ê-đen các thần chê-ru-bin với gươm lưỡi chói lòa, để giữ con đường đi đến cây sự sống”. Đức Chúa Trời quyết định cắt đứt mọi liên hệ với loài người một cách dứt khoát. Từ đó sự bất hòa giữa con người và Đức Chúa Trời ngày càng gia tăng, con người ngày càng cách xa Chúa hơn, càng phạm tội với Ngài hơn và ngay cả phủ nhận sự hiện hữu của Ngài. Mối liên hệ đó không phương hàn gắn được. Đức Chúa Trời nói, con người phạm tội thì con người phải chết. Con người trả đũa và nói rằng, không cần Đức Chúa Trời con người tự sống được.
Nhưng Chúa Giê-xu quyết định làm một cuộc hòa giải. Ngài tình nguyện xuống thế gian, nói cho con người biết về sự bất hòa trầm trọng giữa họ với Đức Chúa Trời và mối nguy hiểm tất yếu sẽ xảy ra cho họ nếu họ còn tiếp tục giữ mối bất hòa đó. Ngài cũng nói cho họ biết rằng họ không thể làm gì để đem lại sự hòa giải nhưng chính Ngài sẽ làm sự hòa giải đó. Sự hòa giải đó là cái chết của Ngài trên cây thập tự, bằng cái chết đó, Chúa Giê-xu nói với Đức Chúa Cha rằng, con người thật sự đã phạm tội, nhưng Con đã chịu chết thay cho họ rồi, xin Cha tha tội cho họ. Rồi Ngài cũng nói với con người rằng, Ta đã chết thay cho tội lỗi các ngươi rồi, hãy trở lại nhà Cha đi. Kinh Thánh ví Chúa Giê-xu như là một Đấng Trung Gian, một cây cầu bắc ngang sự phân cách giữa Đức Chúa Trời và loài người. Thập tự giá chính là nơi mà mối bất hòa ngàn năm của hai bên đã được giải quyết. Hai bên đã trở lại hòa thuận cùng nhau.
III. BẰNG CHỨNG CỦA SỰ HÒA GIẢI (1:21-22).
Sự hòa giải không chỉ có trong lý thuyết hoặc trên danh nghĩa. Điều gì sẽ xảy ra sau khi đứa con hoang đàng trở lại nhà cha mình, được cha phục hồi địa vị ngày xưa? Nó cứ tiếp tục sống một cuộc đời bất xứng với địa vị ấy chăng? Không, nó phải có một sự thay đổi. Phải có một bằng chứng, chứng minh rằng nó đã thật sự ăn năn về tất cả những lỗi lầm ngày xưa và thật tâm mong muốn một sự hòa giải với gia đình. Bằng chứng đó là nó sẽ không bao giờ sống trở lại cuộc đời cũ của nó nữa mà phải hoàn toàn từ bỏ. Nếu đứa con ấy không tỏ ra cho thấy sự ăn năn thật sự của nó, tốt nhất là nó không nên trở về, vì nó sẽ tiếp tục làm những điều ảnh hưởng và xúc phạm đến gia đình, và rồi sự bất hòa sẽ xảy ra một lần nữa.
c.21 viết rằng: “anh em ngày trước vốn xa cách Đức Chúa Trời, và là thù nghịch cùng Ngài bởi ý tưởng và việc ác mình”. Nay Chúa Giê-xu đã chịu chết trên thập tự giá để đem con người trở lại với Đức Chúa Trời. “nhưng bây giờ Đức Chúa Trời đã nhờ sự chết của Con Ngài, đặng làm cho anh em đứng trước mặt Ngài cách thánh sạch không vết, không chỗ trách được” (c.22). Hãy lưu ý những chữ “ngày trước”, “nhưng bây giờ”. Hai giai đoạn cuộc đời được phân định rõ ràng. Cũng hãy lưu ý những chữ “ý tưởng và việc ác mình” và “thánh sạch không vết, không chỗ trách được”. Đây là hai cách sống khác nhau. Ngày trước chúng ta sống một cuộc đời tội lỗi vì bất hòa với Chúa, bây giờ hòa thuận lại với Ngài phải sống một cuộc sống thánh khiết. Đó là những bằng chứng hiển nhiên nhất cho thấy chúng ta đã thật sự hòa thuận cùng Đức Chúa Trời, không phải chỉ là sự hòa thuận bằng lời nói, trên lý thuyết, nhưng là sự hòa thuận bằng hành động, một cách thực tế mà người khác có thể nhìn thấy được.
IV. BỔN PHẬN CHÚNG TA (Cô-lô-se 1:23).
Con người phải chứng minh sự hòa giải thật sự giữa mình và Đức Chúa Trời qua đời sống được thay đổi. Nhưng làm thế nào để được thay đổi và duy trì dài lâu sự thay đổi đó? Có nhiều người trở lại cùng Chúa Giê-xu, hòa giải với Đức Chúa Trời, sống một cuộc sống thay đổi, nhưng thời gian sau đó lại trở lại con đường cũ, lại tiếp tục mối bất hòa với Ngài. (c.23) là một nguyên tắc có thể giúp đỡ được. “miễn là anh em tin Chúa cách vững vàng không núng, chẳng hề dời khỏi sự trông cậy đã truyền ra bởi đạo Tin Lành mà anh em đã nghe”.
Điều kiện đó là “tin Chúa một cách vững vàng”. Chúng ta phải tin Chúa một cách vững vàng, hoàn toàn đặt đức tin mình trên nền tảng lời Ngài và thuận phục hoàn toàn lời đó. Sẽ có những kẻ xấu, điển hình là ma quỷ, tìm cách lôi chúng ta ra khỏi sự hòa giải với Đức Chúa Trời bằng đủ mọi cách. Ma quỷ chẳng bao giờ muốn chúng ta có một sự hòa thuận với Chúa cả, khi chúng ta trở lại với Chúa, ma quỷ sẽ tấn công. Ma quỷ có hàng ngàn cách tinh vi xảo quyệt khó mà biết được. Nó có thể đưa những hoàn cảnh bất lợi vào trong đời sống chúng ta như bệnh tật, tai nạn làm chúng ta nao núng, nó cũng có thể cám dỗ chúng ta bằng những thất bại trong tình cảm, trong tiền bạc, ngay cả những sự thành công trong tình cảm hay tiền bạc cũng có thể đưa chúng ta ra xa khỏi vòng tay Chúa. Ca dao Việt Nam có câu: “Dầu ai nói ngã nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Một cây cổ thụ vững vàng chẳng bao giờ bị một trận gió tầm thường xô ngã, ngay cả những trận cuồng phong, nhưng những cây lau sậy sẽ dễ dàng nằm rạp xuống khi một cơn gió thổi qua. Một đời sống tin Chúa vững vàng là một đời sống chấp nhận mọi thử thách đưa đến, sẽ có nhiều trận gió thổi qua, sẽ có bão, sẽ có mưa đá, sẽ có tuyết, sẽ có những cơn lốc, nhưng Kinh Thánh dạy: “chẳng hề dời khỏi sự trông cậy mà anh em đã nghe”. Dù bất cứ điều gì xảy ra, hãy bám chặt lấy niềm tin không hề dời đổi trong Chúa Giê-xu Christ. Là những Cơ Đốc nhân, chúng ta hãnh diện nói rằng mình đã hòa giải với Đức Chúa Trời qua sự chết chuộc tội của Chúa Giê-xu trên thập tự giá, chúng ta đi nhà thờ và thực hiện những nghi thức tôn giáo một cách đều đặn. Nhưng chúng ta có bằng chứng gì chứng tỏ là chúng ta đã thật sự hòa thuận với Ngài? Hòa giải thật sự trong tâm hồn hay chỉ là sự hòa giải giả tạo bên ngoài? Đời sống chúng ta trước và sau có gì thay đổi không? Khi gặp những khó khăn, thử thách, chúng ta có kiên quyết bám chặt lấy Chúa và bước đi với Ngài cách vững vàng không?
Xin Chúa giúp đỡ để chúng ta đừng làm cho sự hòa giải lớn lao của Chúa Giê-xu trở nên vô ích. Ngài đã chấp nhận làm một cây cầu trung gian đưa chúng ta trở lại hòa thuận với Đức Chúa Trời và đã trả một giá quá đắt cho việc làm đó. Xin Chúa giúp chúng ta sống xứng đáng với điều chúng ta đang có.
* HIỂU BIẾT THƯỜNG THỨC.
Để bánh xèo vẫn giòn khi đã nguội
Có hai cách: Cho vào gạo một chén cơm nguội trước khi đưa gạo đi xay, với tỷ lệ 1,5 kg gạo, 1 chén cơm nguội. Hoặc cứ 1,5 kg gạo pha thêm 200g dừa nạo rồi mới đem xay.

Post CommentLeave a reply