Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 17.01.2021

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 17.01.2021

By H'Dên in NAM GIỚI on 12 Tháng Một, 2021

Chúa nhật 17.01.2021

  1. Đề tài: THẬN TRỌNG GIẢI QUYẾT CÁM DỖ.
  2. Kinh Thánh: Sáng 39:1-23.
  3. Câu gốc: “Hãy phục Đức Chúa Trời, hãy chống trả ma quỷ, thì nó sẽ lánh xa anh em” (Gia-cơ 4:7).
  4. Đố Kinh Thánh: Các Quan Xét 1-4.
  5. Thể loại: Phỏng vấn.

* CHỈ DẪN: Phỏng vấn.

  1. Chọn một người đóng vai Giô-sép, một người làm phóng viên.
  2. Dựa trên tài liệu tham khảo và phần Kinh Thánh làm nền để soạn ra nhiều câu hỏi và câu trả lời cho các diễn viên học thuộc. Các câu hỏi và trả lời đều ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa, đồng thời phải gây hứng thú cho người nghe để họ dễ nhớ nội dung của buổi học Kinh Thánh.
  3. Trong phần đúc kết, người hướng dẫn sẽ tóm tắt nội dung bài học và đưa ra lời khuyên ban viên áp dụng sự dạy dỗ của Lời Chúa vào đời sống mỗi ngày. Sau đó, tất cả đứng lên và mời một người thay mặt ban cầu nguyện.

* GỢI Ý PHỎNG VẤN.

(Sau khi người hướng dẫn giới thiệu thể loại trong chương trình thờ phượng, phóng viên từ dưới đi lên và Giô-sép từ ngoài bước vào phòng nhóm).

– PV: Chào ông Giô-sép!

– Giô-sép: Chào Ban Nam giới!

– PV: Lời đầu tiên tôi xin cảm ơn ông đã nhận lời mời của Ban Nam giới để tham dự buổi nhóm hôm nay. Ban Nam giới, rất vui mừng đón tiếp ông. Chúng tôi đang cùng học với nhau chủ đề “Thận trọng giải quyết cám dỗ”. Qua Kinh Thánh, chúng tôi được biết ông là một điển hình trong vấn đề đắc thắng cám dỗ. Chúng tôi rất mong được nghe những kinh nghiệm của ông về điều này. Ông vui lòng chia sẻ cho chúng tôi được không ạ?

– Giô-sép: Tôi sẵn sàng, quý vị cứ hỏi.

– PV: Chúng tôi học trong Sáng thế ký, được biết ông đã trải qua những chặng đường với nhiều khó khăn. Khi qua xứ Ai-cập, ông được làm quản gia trong gia đình của Phô-ti-pha, ông có thể cho chúng tôi biết thời gian ở trong nhà của ông chủ ấy, cuộc sống ông như thế nào ạ?

– Giô-sép: Khi tôi bị các anh mình ghen ghét, bán sang Ai-cập, thật sự lúc đó tôi rất sợ hãi, không biết mình sẽ như thế nào? Rồi người thương nhân đã bán tôi làm nô lệ cho một viên quan tại Ai-cập. Ở đó tôi được Đức Chúa Trời ban phước rất nhiều. Tôi làm việc đẹp lòng tất cả mọi người và được ông chủ tín nhiệm giao cho tôi làm quản gia trong gia đình ấy. Nhưng đã có một sự kiện xảy ra khi tôi làm việc ở đó.

– PV: Đó là sự kiện gì vậy ông? Ông nói rõ thêm cho chúng tôi biết được không?

– Giô-sép: Trong gia đình của Phô-ti-pha, có một người phụ nữ đã tìm cách quyến rũ tôi nhiều lần. Bà ấy chính là vợ của ông chủ. Nhiều lần như vậy, tôi đều tìm cách tránh né được. Tôi nói với bà ấy rằng “Tôi là một người kính sợ Chúa, không bao giờ tôi làm một điều gian ác trước mặt Chúa, tôi không bao giờ muốn phạm tội cùng Đức Chúa Trời”. Tôi biết rằng, tôi đang ở trong hoàn cảnh rất nguy hiểm, sự cám dỗ luôn tìm cách đến gần tôi. Tôi đã cầu nguyện với Đức Chúa Trời rất nhiều để xin Ngài giúp đỡ tôi.

– PV: Thưa ông, là Cơ Đốc nhân có phải luôn có những cám dỗ xung quanh không ạ?

– Giô-sép: Đúng vậy, đời sống của Cơ Đốc nhân không phải là một cuộc đời thảnh thơi, nhàn rỗi, nhưng chúng ta sống ngày nào là chiến đấu ngày đó, với những thách thức, những cám dỗ xung quanh mình. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta luôn là “Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được” (1Phi-e-rơ 5:8).

– PV: Thưa ông, trong thời gian ông làm việc tại nhà Phô-ti-pha khi những âm mưu của bà vợ ông chủ không thành, thì mối quan hệ của ông với gia đình ấy như thế nào ạ?

– Giô-sép: Tôi vẫn luôn cảnh giác trước mọi hành động của bà ấy, và hạn chế tối đa giao tiếp với người đang muốn kéo tôi vào tội lỗi. Tôi cầu nguyện với Chúa mỗi ngày để luôn được tỉnh táo trước mọi cám dỗ. Trách nhiệm của tôi trong chức vụ được giao phó, tôi vẫn luôn làm tốt, vì tôi biết Chúa luôn ở cùng.

– PV: Thưa ông, có lúc nào ông nghĩ không nên tiếp tục để sống trong hoàn cảnh đó không ạ?

– Giô-sép: Có, sau nhiều lần tôi nhờ cậy Chúa và thắng được những mưu ác cám dỗ của người phụ nữ ấy. Trong một lần, đó cũng là lần cuối cùng bà ta có cơ hội lôi kéo tôi. Khi ông chủ đi vắng, bà ta đã chủ động tìm cách gặp riêng tôi và đề nghị tôi đến cùng bà ta.

– PV: Trong trường hợp đó ông đã giải quyết như thế nào? 

– Giô-sép: Khi bà ta tìm cách để lôi kéo tôi phạm tội cùng bà, tôi nghĩ rằng để thoát khỏi cám dỗ thì chỉ còn cách là chạy trốn.

– Pv: Vâng, xin ông có thể chia sẻ cho ban Nam giới biết khi đối diện với những cám dỗ như thế, thì ông đã kinh nghiệm Chúa như thế nào?

– Giô-sép: Tôi kinh nghiệm được sự ở cùng của Chúa, tôi biết Đức Chúa Trời sẽ gìn giữ vì tôi thật có lòng kính sợ Chúa, Đức Thánh Linh giúp tôi nhận biết điều gì là không đẹp lòng Chúa. Khi gặp những trường hợp bế tắc không có cách giải quyết, thì Ngài vẫn luôn hướng dẫn tôi, và kéo tôi ra khỏi hoàn cảnh ấy.

– Pv: Thưa ông, qua bài học “Thận trọng giải quyết cám dỗ” ông có lời khuyên nào cho ban Nam giới không ạ?

– Giô-sép: Cảm ơn ban Nam giới đã cho tôi có dịp tiện chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc đời mình với quý vị, nhất là vấn đề đối diện với cám dỗ. Tôi có vài lời muốn nhắc nhở quý vị, ngày nay xã hội mà quý vị đang sống, có rất nhiều cám dỗ xung quanh, thú vui, tiền bạc, tình dục… Vì vậy, chúng ta phải luôn tỉnh thức và cảnh giác trước mọi cám dỗ. Điều cần thiết để chiến trận của chúng ta luôn dành phần thắng là nhờ cậy Chúa để vượt qua, cầu nguyện xin Chúa gìn giữ chúng ta khỏi sự cám dỗ. Mỗi Cơ Đốc nhân phải có một đời sống kính sợ Chúa, có Lời của Chúa thì mới có thái độ dứt khoát với tội lỗi.

– Pv: Cảm ơn ông đã dành thời gian với ban Nam giới. Nguyện xin Chúa ban phước cho ông thật nhiều.

Lời kết của phóng viên:

Thưa các bạn, chúng ta đã có một thì giờ quý báu trò chuyện với ông Giô-sép về chủ đề “Thận trọng giải quyết cám dỗ”. Xin Chúa giúp mỗi chúng ta luôn tỉnh thức để nhận biết sự gì không đẹp ý muốn Chúa và có sự khôn ngoan của Chúa để vượt qua cám dỗ. Lời Chúa phán “Hãy phục Đức Chúa Trời, hãy chống trả ma quỷ thì nó sẽ lánh xa anh em” (Gia-cơ 4:7).

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. DẪN GIẢI.

Trong phần chính của bài này chúng ta sẽ tập trung vào sự nguy hiểm của cám dỗ bằng cách xem xét ý nghĩa của hai cụm từ được tìm thấy trong Tân ước:

– Sa vào sự cám dỗ (Ma-thi-ơ 26:41).

– Giờ thử thách (Khải huyền 3:10).

  1. Sa vào sự cám dỗ.

Chúa Giê-xu ý muốn nói gì qua cụm từ sa vào sự cám dỗ? Chúng ta sẽ bắt đầu trả lời câu hỏi này bằng cách xem xét hai câu trả lời không đúng rất phổ biến sau đây:

  1. “Sa vào sự cám dỗ” đơn giản nghĩa là “bị cám dỗ”. Câu trả lời này không chính xác bởi vì không có nơi nào Chúa hứa là sẽ không bị cám dỗ. Chúa Giê-xu sẽ không dạy chúng ta cầu nguyện cho điều gì đó mà Đức Chúa Trời biết rằng điều đó sẽ không xảy ra. Chúng ta có thể tránh được một số cám dỗ, nhưng không thể nào có thể tránh được hết tất cả các loại cám dỗ. “Sa vào chước cám dỗ” nguy hiểm hơn rất nhiều so với cám dỗ.  
  2. “Sa vào sự cám dỗ” nghĩa là “phạm tội”. Câu trả lời này cũng không đúng bởi vì một người có thể “sa vào sự cám dỗ” nhưng không bị cám dỗ đánh bại. Giô-sép đã trải qua kinh nghiệm “sa vào sự cám dỗ” (Sáng 39:6-12) nhưng Giô-sép đã thoát ra khỏi trong chiến thắng.

Trong 1Ti-mô-thê, Phao-lô ví “sa vào chước cám dỗ” như bị vướng vào bẫy. Ý nghĩa chính của việc bị vướng vào bẫy là bạn không thể dễ dàng thoát khỏi đó. Trong 1Cô-rinh-tô 10:13, Phao-lô dùng cách diễn đạt “không có sự cám dỗ nào quá sức anh em”. Điều này được dùng để minh họa sức mạnh của cám dỗ và mức độ khó khăn để thoát ra khỏi đó. Trong 2Phi-e-rơ 2:9, Phi-e-rơ nêu bật cho chúng ta thấy sức mạnh của một số hình thức cám dỗ. Chúng ta chỉ có thể thoát ra được những loại cám dỗ như thế nhờ vào sự giúp đỡ quyền năng trổi hơn của Đức Chúa Trời.

Từ những phân đoạn Kinh Thánh này, chúng ta rút ra kết luận là “sa vào chước cám dỗ” nghĩa là ở một mức độ bình thường, chúng ta nhận biết được sức mạnh khó cưỡng lại được của sự cám dỗ. Đôi khi sự cám dỗ giống như người bán hàng đang gõ cửa. Chúng ta có thể phớt lờ hoặc bảo nó đi chỗ khác và nó đi. Có lúc khác cám dỗ không thể giải quyết dễ dàng như vậy. Những lúc như thế cám dỗ giống như người bán hàng đã bước vào cửa. Người bán hàng chẳng những quyết tâm muốn bán được món hàng của mình mà món hàng của anh ta lại còn rất hấp dẫn nữa. Khi sự cám dỗ chỉ mới “gõ cửa”, thì chúng ta còn có thể phớt lờ nó. Nhưng khi sự cám dỗ đã “bước vào cửa” và vào trong căn phòng “tấm lòng” chúng ta thì lúc đó chúng ta đã “sa vào chước cám dỗ”.

Khi một người “sa vào chước cám dỗ”, người đó kinh nghiệm sức mạnh của sự cám dỗ từ hai nguồn:

*  Sức mạnh của Sa-tan hoạt động một cách đặc biệt từ phía bên ngoài người đó. Sa-tan đến với sự cương quyết hơn và sức mạnh nhiều hơn bình thường để cám dỗ một người phạm tội. Đôi khi nó cám dỗ bằng cách đe dọa: “Phạm tội hay muốn gì khác! Chối Chúa hay mất mạng”. Đôi khi nó cám dỗ bằng cách đem đến điều mà người đó mong muốn; ví dụ “ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy, thì ta sẽ cho ngươi tất cả mọi sự này” (Ma-thi-ơ 4:9).

* Sức mạnh của tội lỗi ở trong lòng hoạt động cách đặc biệt từ bên trong. Tội lỗi ẩn chứa trong lòng có thể được ví như kẻ phản bội nằm sẵn trong lòng của mỗi người. Kẻ phản bội này liên kết với kẻ cám dỗ để cố gắng khuyến khích người ta khuất phục sự cám dỗ. Trong những lúc như thế Cơ Đốc nhân có thể liên tục kêu cầu với Chúa xin sự giải cứu nhưng vẫn không thoát khỏi được sự cám dỗ. Sự cám dỗ tiếp tục đưa ra yêu sách. Những sự cám dỗ như vậy thường diễn ra ở một trong những hoàn cảnh sau đây:

  1. Khi Sa-tan được Chúa cho phép đặc biệt, vì lý do nào đó chỉ có Chúa mới biết, để đem Cơ Đốc nhân “sa vào chước cám dỗ” (2Sa-mu-ên 24:1, 1Sử ký 21:1; Gióp 1:12, 2:6; Lu-ca 22:31).
  2. Khi những ham muốn tội lỗi của một người gặp được điều kiện thuận lợi và có điều kiện đầy đủ để thực hiện những ham muốn đó. Đây là trường hợp của Đa-vít được ghi lại trong 2Sa-mu-ên 11.
  3. Giờ thử thách.

Bất cứ khi nào một trong những hoàn cảnh này xảy ra, có nghĩa là một người đang sa vào chước cám dỗ, theo như Khải huyền gọi là “giờ thử thách”. Vào lúc đó, sức mạnh khó cưỡng lại được của cám dỗ đạt đến đỉnh cao. Trong thời điểm này sự cám dỗ trở nên nguy hiểm nhất và có thể đánh bại được bất kỳ sự chống trả nào nếu có. Thường thì cám dỗ ít khi xảy ra ở mức độ này và có thể thắng hơn được cách dễ dàng. Nhưng khi sự cám dỗ xảy ra vào “giờ thử thách”, thì nó có sức mạnh mới. Nếu không bởi ân điển đặc biệt của Chúa, thì sự cám dỗ sẽ thắng hơn và dẫn người đó đến chỗ phạm tội. Có thể khi còn trẻ Đa-vít đã từng gặp những sự cám dỗ về tội tà dâm hay giết người (trong trường hợp của Na-banh, xem 1Sa-mu-ên 25) nhưng mãi cho đến “giờ thử thách” thì những cám dỗ cụ thể này xuất hiện với sức mạnh phi thường và đã đánh bại Đa-vít (2Sa-mu-ên 11).

Nếu một người không được chuẩn bị đặc biệt cho giờ thử thách, thì người đó chắc chắn sẽ sa ngã dưới loại cám dỗ này. Có hai câu hỏi nữa về “giờ thử thách” cần được xem xét:

  1. Có những phương tiện phổ biến nào được sử dụng để đem cám dỗ đến giờ của nó?

– Khi Sa-tan nhằm mục đích muốn làm cho một người sa vào chước cám dỗ, nó sẽ liên tục và kiên trì đem đến một sự cám dỗ cụ thể nào đó trong tâm trí. Nó tìm cách làm tâm trí của chúng ta không còn nhạy bén với sự sai trái của cám dỗ bằng cách cứ liên tục cám dỗ. Lúc đầu có thể tâm trí của chúng ta hoảng sợ trước sự cám dỗ, nhưng khi sự cám dỗ cứ diễn ra liên tục, sự hoảng sợ này sẽ yếu dần và cám dỗ có vẻ không còn kinh khủng như lúc ban đầu.

– Nếu một Cơ Đốc nhân nhìn thấy người anh em mình sa vào tội lỗi, người đó phải phản ứng lại bằng cách ghét tội lỗi, cảm thấy đáng tiếc cho tình trạng sa ngã của người đó và cầu nguyện xin Chúa giải cứu người đó. Nếu người này không phản ứng như thế, Sa-tan sẽ dùng điểm yếu này làm bàn đạp nhằm cám dỗ người này bằng chính tội lỗi của người kia (2Ti-mô-thê 2:17-18).

– Mức độ xấu xa của sự cám dỗ có thể bị che giấu bằng cách so sánh với những điều khác. Ví dụ, người Ga-la-ti bị cám dỗ để bỏ Tin lành hầu cho không còn phải bị bắt bớ. Mong ước này đã làm tăng thêm sức mạnh cho sự cám dỗ từ bỏ Tin lành.

  1. Làm sao chúng ta biết mình đã bước vào giờ thử thách?

– Một người có thể nhận ra rằng mình đang bị Sa-tan đem vào giờ thử thách khi người đó nhận thấy rằng nó đang liên tục gia tăng áp lực vào đời sống mình. Dường như Sa-tan biết rằng đây là cơ hội duy nhất nó có và bằng mọi cách nó làm cho linh hồn người đó không bao giờ yên nghỉ. Trong chiến tranh, nếu kẻ thù thắng thế hơn đối thủ của mình, họ sẽ nỗ lực gấp đôi. Cũng như vậy, khi Sa-tan làm giảm bớt quyết tâm của Cơ Đốc nhân nhằm chống trả lại nó, nó sẽ sử dụng tất cả mọi sức mạnh và sự xảo quyệt để thắng hơn và thuyết phục người đó phạm tội. Bất cứ khi nào sự cám dỗ đến bên trong và bên ngoài nhằm làm cho ý chí chiều theo tội lỗi, thì chúng ta có thể chắc chắn rằng ‘giờ thử thách’ đã đến.

– Bất cứ khi nào cám dỗ kết hợp sức mạnh của sợ hãi với sự lôi cuốn, thì giờ thử thách đã đến. Sức mạnh tổng thể của cám dỗ chứa đựng trong sự liên kết của hai sức mạnh này. Thường thì chỉ một trong hai sức mạnh này cũng đủ để thuyết phục một người phạm tội. Khi chúng kết hợp với nhau thì hiếm có khi nào thất bại. Chúng ta nhìn thấy sức mạnh này hoạt động trong trường hợp Đa-vít giết U-ri. Trong đó có nỗi lo sợ U-ri sẽ trả thù vợ (chưa nói đến khả năng là U-ri trả thù Đa-vít) cùng với nỗi sợ hãi rằng tội lỗi của mình bị mọi người biết đến. Điều đó được liên kết với sự hấp dẫn của vui thú hiện tại khi Đa-vít phạm tội với Bát-sê-ba. Bất cứ khi nào một người nhận biết sức mạnh của hai thế lực này đang thuyết phục mình phạm tội, thì giờ thử thách đã đến.

Để tránh bị tổn hại khi trải qua cám dỗ như vậy, Cơ Đốc nhân phải học “Thức canh và cầu nguyện”.

Thức canh có nghĩa là cảnh giác, chú ý, xem xét tất cả các cách thức và phương tiện mà kẻ thù có thể sử dụng để tấn công chúng ta bằng sự cám dỗ. Điều này nói đến một sự thức canh liên tục và siêng năng đối với linh hồn mình, sử dụng tất cả các phương tiện Chúa ban cho nhằm mục đích này. Cụ thể, nó bao gồm một sự nghiên cứu trọn đời về mưu chước của kẻ thù, cũng như những điểm mạnh và điểm yếu của chúng ta mà Sa-tan có thể khai thác để làm chúng ta vướng vào tội lỗi.

Cùng với tỉnh thức, chúng ta phải cầu nguyện. Đây là phương tiện mà qua đó chúng ta có thể nhận được sự giúp đỡ của Chúa để tỉnh thức như điều mình nên làm và để chống trả lại sự tấn công của Sa-tan. Tất cả công việc của đức tin nhằm giữ linh hồn của chúng ta khỏi cám dỗ được gói gọn trong hai nhiệm vụ này “Thức canh và cầu nguyện”.

 

 

Post CommentLeave a reply