Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 10.01.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG DÀNH CHO BAN NAM GIỚI. 10.01.2020

By H'Dên in NAM GIỚI on 4 Tháng Một, 2021

Chúa nhật 10.01.2021

  1. Đề tài: CƠ ĐỐC NHÂN VÀ NHỮNG THỬ NGHIỆM.
  2. Kinh Thánh: Ê-phê-sô 6:10-20; 1Phi-e-rơ 5:8-11.
  3. Câu gốc:Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được” (1Cô-rinh-tô 10:13).
  4. Đố Kinh Thánh: Giô-suê 21-24.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, ủy viên linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

Đề tài 1: Những khó khăn hoạn nạn mà Cơ Đốc nhân gặp phải là để thử thách đức tin.

Đề tài 2: Những khó khăn hoạn nạn mà Cơ Đốc nhân gặp phải là do tội lỗi mà họ đã phạm.

  1. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận thêm sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết Lời Chúa, từng trải thuộc linh để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận.
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên Lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. DẪN GIẢI.

Các môn đồ cảm thấy an toàn trong khi sự cám dỗ đang ở cạnh bên họ! Chính lúc đó Chúa Giê-xu đưa ra lời cảnh báo này “Hãy thức canh và cầu nguyện kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ” (Ma-thi-ơ 26:41, Mác 14:38 và Lu-ca 22:46). Tất cả những ai là môn đồ của Đấng Christ cũng cần được cảnh báo giống như vậy. Lời cảnh báo này có ba bài học rất căn bản mà mọi Cơ Đốc nhân cần phải học thật kỹ.

  1. Mọi Cơ Đốc nhân phải liên tục cảnh giác với sự cám dỗ.
  2. “Sa vào chước cám dỗ” là trải qua sự cám dỗ ở hình thức nguy hiểm nhất và có tác động mạnh mẽ nhất.
  3. Để tránh sa vào chước cám dỗ, Cơ Đốc nhân phải học “Thức canh và cầu nguyện”.

Trước khi chúng ta sẵn sàng để học bất cứ bài học nào trong ba bài này, chúng ta phải xem xét sự dạy dỗ nền tảng của Kinh Thánh về sự cám dỗ. Kinh Thánh đề cập đến hai loại cám dỗ (thử thách) khác nhau: Một loại là sự thử thách mà Chúa sử dụng; loại kia là sự cám dỗ gian ác mà Sa-tan sử dụng.

  1. SỰ THỬ THÁCH MÀ CHÚA SỬ DỤNG.

Đôi khi Kinh Thánh dùng từ cám dỗ để nói đến hoạn nạn hay thử thách. (Lưu ý: các bản dịch hiện đại thường dùng từ “thử thách” hay “hoạn nạn” thay vì dùng “cám dỗ” khi có liên quan đến công việc của Chúa). Đức Chúa Trời thử thách Áp-ra-ham (Sáng 22:1-19), và mọi Cơ Đốc nhân đều khó tránh khỏi thử thách hay hoạn nạn bằng cách này hay cách khác (Gia-cơ 1:2; 1Phi-e-rơ 1:6).

  1. Mục đích của Chúa khi cho phép hoạn nạn.
  2. Hoạn nạn giúp Cơ Đốc nhân kiểm tra sức khỏe thuộc linh của mình.

Cơ Đốc nhân kinh nghiệm ân điển Chúa tuôn đổ trên đời sống mình khi họ trải qua hoạn nạn. Thử thách mà Đức Chúa Trời đem đến trên Áp-ra-ham cho thấy sức mạnh của đức tin ông. Đôi khi thử thách sẽ giúp Cơ Đốc nhân nhận ra những gian ác trong lòng mình mà trước đây người đó chưa bao giờ biết đến. Đức Chúa Trời thử nghiệm Ê-xê-chia để cho ông thấy sự kiêu ngạo của lòng ông (2Sử ký 32:31). Có lúc Cơ Đốc nhân cần được khích lệ khi nhìn thấy ân điển thuộc linh đang tuôn đổ trên đời sống mình. Nhưng cũng có lúc Cơ Đốc nhân cần hạ mình khi nhận biết những gian ác trong lòng mình. Đức Chúa Trời cho phép hoạn nạn xảy ra để giúp chúng ta nhận ra vấn đề của lòng mình. 

  1. Hoạn nạn giúp Cơ Đốc nhân biết thêm về Chúa.

Chính Chúa là Đấng duy nhất có thể giữ Cơ Đốc nhân khỏi sa vào tội lỗi. Cho đến khi chúng ta bị cám dỗ, chúng ta mới không còn nghĩ rằng mình có thể thắng được sự cám dỗ bằng sức riêng của mình. Phi-e-rơ nghĩ rằng ông sẽ không bao giờ chối Thầy của mình. Cám dỗ đã cho ông thấy rằng ông đã chối Chúa (Ma-thi-ơ 26:33-35, 69-75).

Khi chúng ta nhận ra sự yếu đuối của mình và sức mạnh của sự cám dỗ, thì chúng ta sẽ sẵn sàng để khám phá quyền năng của ân điển Chúa. Đây là bài học quan trọng nhất mà sứ đồ Phao-lô học được qua “giằm xóc” (2Cô-rinh-tô 12:7-10).

  1. Đức Chúa Trời có nhiều cách để thử nghiệm dân sự Ngài.

Chúa thử nghiệm tất cả mọi tín đồ theo cách rất riêng tư. Sau đây là một vài ví dụ về cách thức mà Đức Chúa Trời dùng để thử nghiệm dân sự Ngài.

  1. Ngài thử nghiệm họ bằng cách giao cho họ những nhiệm vụ vượt quá khả năng của họ.

Sứ đồ Phao-lô liên hệ đến sự thử nghiệm này khi ông viết “Chúng tôi chịu áp lực quá mức” (2Cô 1:8). Đây là sự thử nghiệm Chúa dùng để dạy Phao-lô “không cậy mình nhưng cậy Đức Chúa Trời là Đấng khiến kẻ chết sống lại” (2Cô 1:9). Cơ Đốc nhân không nên ngạc nhiên hay mất tinh thần nếu Chúa giao cho một công việc dường như quá sức của mình. Chúa thử nghiệm Cơ Đốc nhân bằng cách này để cho họ biết đức tin của họ nơi quyền năng của Chúa mạnh hay yếu.

  1. Ngài thử nghiệm Cơ Đốc nhân bằng cách cho phép họ chịu khổ vì đức tin của mình.

Đôi khi sự đau đớn rất dữ dội, thậm chí cho đến chết. Hầu hết Cơ Đốc nhân sợ chịu khổ như vậy. Nhưng nhiều người đã tìm được sức mạnh bất ngờ ban cho họ để họ có thể chịu tra tấn hay thậm chí chết vì cớ Đấng Christ. Tất cả Cơ Đốc nhân đều được gọi để chịu khổ bằng cách này hay cách khác (Phi-líp 1:29, 1Phi-e-rơ 2:21). Sứ đồ Phi-e-rơ gọi sự chịu khổ như thế là “sự thử nghiệm của đức tin anh em” (1Phi 1:7).

  1. Ngài thử nghiệm Cơ Đốc nhân bằng cách cho phép họ đối diện với những giáo sư giả hay sự dạy dỗ sai trật. Chúa thử nghiệm lòng trung thành của tín đồ và tình yêu của họ dành cho Ngài bằng cách này. Phục truyền 13:1 là ví dụ điển hình về loại thử nghiệm này.

Trên đây là ba ví dụ về nhiều cách khác nhau mà Đức Chúa Trời dùng để thử nghiệm dân sự Ngài. Loại thử nghiệm mà Chúa dùng luôn luôn là vì cớ ích lợi cho dân sự Ngài. Bây giờ chúng ta sẵn sàng để sang hình thức cám dỗ mà Sa-tan sử dụng.

  1. HÌNH THỨC CÁM DỖ GIAN ÁC MÀ SA-TAN SỬ DỤNG.

Có hai hình thức cám dỗ đều chứa đựng ý nghĩa thử nghiệm. Cám dỗ luôn luôn là sự thử nghiệm!

  1. Điểm cần nhớ về loại cám dỗ mà Sa-tan sử dụng là mục đích của nó. Cám dỗ ở dạng này là sự thử nghiệm được dùng để dẫn một người vào tội lỗi. Đức Chúa Trời không bao giờ là tác giả của dạng cám dỗ này (Gia-cơ 1:13). Đây là dạng cám dỗ mà Chúa cảnh báo môn đồ của Ngài. Kinh Thánh cho biết có ba nguyên nhân chính của dạng cám dỗ này. Có khi những nguyên nhân này cùng làm việc với nhau, có lúc lại tách biệt.
  2. Ma quỷ là kẻ cám dỗ. Trong Tân ước, có hai lần ma quỷ hay Sa-tan được gọi là “kẻ cám dỗ” (Ma-thi-ơ 4:3, 1Tê 3:5). Có lúc ma quỷ sẽ cám dỗ Cơ Đốc nhân phạm tội bằng cách đặt vào tâm trí người đó suy nghĩ gian ác hay phạm thượng. Có lúc nó cám dỗ Cơ Đốc nhân để nghi ngờ sự thực hữu của Chúa hay lẽ thật của Lời Ngài. Sự cám dỗ này thường đến qua những suy nghĩ tội lỗi do ma quỷ tiêm nhiễm vào tâm trí của một người. Cám dỗ dạng này được gọi là “những tên lửa của kẻ thù” (Ê-phê-sô 6:16). Cơ Đốc nhân không phạm tội bởi vì mình có những suy nghĩ như vậy. Cơ Đốc nhân chỉ phạm tội nếu người đó tin vào những suy nghĩ này.
  3. Thế gian (bao gồm cả con người thế gian) là kẻ cám dỗ. Người đánh cá dùng con giun hấp dẫn làm mồi nhử để bắt cá. Cũng như vậy ma quỷ thường dùng những thú vui hấp dẫn của đời này làm mồi nhử để thuyết phục một người phạm tội. Khi ma quỷ cám dỗ Chúa Giê-xu, nó dùng những vương quốc của thế gian này làm mồi nhử. Chính đứa đầy tớ gái là người đã cám dỗ Phi-e-rơ chối Chúa (Ma-thi-ơ 26:69). Thế gian cùng với mọi thứ thuộc về nó và con người là nguồn cám dỗ liên tục đối với Cơ Đốc nhân.
  4. Xác thịt (ví dụ như ham muốn của xác thịt) là kẻ cám dỗ. Đôi khi ma quỷ dùng những ham muốn của một người để cám dỗ người đó. Ma quỷ cám dỗ Giu-đa chối Chúa bằng cách sử dụng sự giúp đỡ của thế gian (người Pha-ri-si và ba mươi miếng bạc ở trong Ma-thi-ơ 26:14-16) và bản chất tham lam của chính Giu-đa. Theo như lời của Gia-cơ “Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình” (Gia-cơ 1:14).
  5. Loại cám dỗ mà ma quỷ sử dụng luôn luôn là nỗ lực để thuyết phục một người phạm tội. Sự cám dỗ như thế nhằm thuyết phục một người phạm một trong những tội sau đây: Lơ là nhiệm vụ Chúa giao phó; nuôi dưỡng tội lỗi trong lòng; để Sa-tan lợi dụng điều gian ác trong lòng; để cho Sa-tan làm xao lãng mối thông công với Chúa dưới bất cứ hình thức nào; không vâng phục trọn vẹn trong tất cả những gì Chúa giao phó (bao gồm cả cách thức bạn thể hiện sự vâng phục).
  6. MỌI CƠ ĐỐC NHÂN PHẢI LIÊN TỤC CẢNH GIÁC VỚI SỰ CÁM DỖ.

Chúng ta sẽ minh họa mức độ nguy hiểm của sự cám dỗ mà Sa-tan sử dụng trong hai điểm sau:

  1. Hậu quả lớn mà sự cám dỗ của Sa-tan có thể đem đến cho Cơ Đốc nhân.

Mục đích chính của sự cám dỗ là dẫn một người tới chỗ phạm tội. Đó có thể là tội làm điều Chúa không cho phép. Đó có thể là tội không làm điều Chúa răn dạy. Đó có thể là tội của xác thịt và mọi người nhìn thấy điều đó. Hoặc đó có thể là tội của tâm trí mà chỉ có Chúa nhìn thấy. Cho dù đó là tội gì đi nữa, thì chúng ta cũng không được quên rằng mục đích của sự cám dỗ như thế là làm hại đến sức khỏe thuộc linh của người tín đồ.

  1. Những hình thức cám dỗ đa dạng mà Sa-tan dùng để chống lại Cơ Đốc nhân.

Bất cứ điều gì ngăn cản chúng ta làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời phải được xem là cám dỗ. Đó có thể là điều gì đó bên trong chúng ta (ví dụ như ham muốn tội lỗi), hay bất cứ điều gì, bất cứ người nào ở trong thế gian này. Bất cứ điều gì kích động hay khuyến khích một người phạm tội thì điều đó được xem là một hình thức cám dỗ. Hầu như bất kỳ một ham muốn nào đều có thể được sử dụng cho mục đích cám dỗ. Bản thân nó không phải là tội khi mong muốn có được cuộc sống thoải mái, có bạn bè, có mức sống cao, hay có danh tiếng tốt (và vô số những điều khác!). Tuy nhiên, những điều này có thể bị lạm dụng để trở nên nguồn cám dỗ nguy hiểm khó có thể chống lại được. Cơ Đốc nhân cần cảnh giác đối với những sự cám dỗ như vậy. Nếu chúng ta không làm điều này, chúng ta đang ở gần bờ vực thất bại hơn là chúng ta nghĩ!

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Lý do Chúa cho phép những hoạn nạn xảy ra trên Cơ Đốc nhân? (Rô-ma 5:3-5).
  3. Khi đối diện với những thử thách hoạn nạn chúng ta cần có những thái độ nào? (Rô-ma 5:3; 12:12).
  4. Bạn đã từng đối diện với nan đề chưa? Bạn giải quyết nó như thế nào?
  5. Kinh nghiệm của bạn sau khi vượt qua khó khăn là gì?
  6. Trong 2Cô 4:17, sứ đồ Phao-lô nói sự hoạn nạn của Cơ Đốc nhân trên đất là tạm và nhẹ có nghĩa như thế nào?
  7. Trong Gia-cơ 1:12 nói người chịu thử thách (cám dỗ) là người có phước? Bạn nghĩ thế nào về điều này?
  8. Đức tin của bạn có gia tăng khi bạn gặp thử thách không? Tại sao?

Post CommentLeave a reply