Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI – CHÚA NHẬT 09.08.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI – CHÚA NHẬT 09.08.2020

By H'Dên in NAM GIỚI on 5 Tháng Tám, 2020

Chúa nhật 09.08.2020.

1. Đề tài: HẦU VIỆC CHÚA TRONG SỰ CHĂM SÓC GIA  ĐÌNH.

  1. Kinh Thánh: Phục truyền 6:5-9; Ê-phê-sô 6:1-4.
  2. Câu gốc: “Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhất là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa” (1Ti-mô-thê 5:8).
  3. Đố Kinh Thánh: Dân số ký 13-16.
  4. Thể loại: Hướng dẫn học Kinh Thánh.

* CHỈ DẪN: Hướng dẫn học Kinh Thánh.

  1. Mời người hướng dẫn học Kinh Thánh.
  2. Người hướng dẫn dựa trên đoạn Kinh Thánh làm nền, tài liệu để soạn.
  3. Đến giờ học, người hướng dẫn sẽ đưa ra nhiều câu hỏi để các bạn tìm được ý nghĩa, sự dạy dỗ của Kinh Thánh và áp dụng sự dạy dỗ ấy vào đời sống.
  4. Không dùng phương pháp thuyết trình (một người nói, tất cả nghe) mà dùng phương pháp vấn đáp (người hướng dẫn hỏi, người học đáp), hoặc phương pháp thảo luận (mọi người có thể đưa ra câu hỏi và câu trả lời, người hướng dẫn giữ phần đúc kết).
  5. Xin soạn 2-3 câu hỏi, mỗi cụm có 3 câu (Sự kiện, suy luận, áp dụng).

(1.1) Câu hỏi phát hiện: Lời Chúa đã nói gì về nhiệm vụ của người chủ gia đình?

(1.2) Câu hỏi suy luận: Gia đình cần được chăm sóc trên những phương diện nào?

(1.3) Câu hỏi áp dụng: Gia đình bạn hiện đang ở trong tình trạng nào? Bạn nắm giữ vai trò gì trong gia đình? 

(2.1) Câu hỏi phát hiện: Hãy tìm hiểu gương chăm sóc gia đình của các nhân vật sau đây:

(1) Áp-ra-ham (Sáng 12:1-4; 13:1-14; 14:1,14-15; 18:22-33).

(2) Giô-sép (Sáng 45:5-8).

(3) An-ne (1Sa-mu-ên 1:21-28; 3:19-21).

(4) Gióp (Gióp 1:4-5).

(5) Lô-ít (2Ti-mô-thê 1:5; 3:14-15).

Họ đã làm những gì cho người thân trong gia đình?

(2.2) Câu hỏi suy luận: Tại sao khi làm những công tác trên là hầu việc Chúa?

(2.3) Câu hỏi áp dụng: Bài học hôm nay nhắc nhở bạn về điều gì? Bạn có quyết định nào? 

  1. Người hướng dẫn đúc kết và kêu gọi ban viên áp dụng sự dạy dỗ của Lời Chúa vào đời sống thực tế để có thể phục sự Ngài, nhắc họ điều quan trọng là phải làm theo Lời Đức Chúa Trời, nếu không thì dù hiểu biết Lời Chúa bao nhiêu cũng vô ích (Gia-cơ 1:22-24). Đặc biệt cần lưu ý đến mục tiêu của bài học vì đó là lý tưởng, mục đích sống của người tin theo Chúa. Cầu nguyện.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. DẪN GIẢI.

Cho dù thời ban sơ hay văn minh tiến bộ của thế giới, gia đình vẫn được xem là phần tử quan trọng trong việc xây dựng quốc gia, xã hội loài người.

Trong sự mở mang vương quốc Đức Chúa Trời, mặc dầu sự cứu rỗi căn cứ trên đức tin của mỗi cá nhân nhưng gia đình luôn được xem là đơn vị căn bản trong việc xây dựng Hội Thánh. Với vai trò quan trọng này, có thể nói gia đình Cơ Đốc nhân là Hội Thánh thu hẹp; một môi trường vô cùng thuận lợi và hữu hiệu trong sự đào tạo, huấn luyện người cho công việc Đức Chúa Trời. Hai chữ “gia đình” nghe thật êm đềm, đầm ấm làm sao! Nhưng gia đình có thể trở thành cảnh bi đát buồn thảm hay cảnh thiên đàng tươi vui với những tâm hồn tôn thờ Chúa là do chúng ta xao lãng trách nhiệm hay hết lòng chăm sóc. Vì vậy trong sự hầu việc Chúa, nếu chúng ta thành công trong những công việc to tát bên ngoài mà bỏ qua việc chăm sóc gia đình mình là điều thiếu sót lớn.

  1. TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH.
  2. Sự dạy dỗ của Kinh Thánh.

Qua các mạng lệnh của Chúa, chúng ta ghi nhận những trách nhiệm Chúa truyền dạy cho người làm đầu trong gia đình.

(1) Dạy cho con cái giữ đạo Chúa và sống theo đường lối Ngài (Sáng 18:19).

(2) Dạy cho con cái học biết và vâng giữ điều răn của Chúa (Phục truyền 6: 6-9).

(3) Thuật lại cho con cái về quyền năng giải cứu lớn lao của Ngài (Giô-suê 4:21-24).

(4) Dạy dỗ con cái biết giữ ngày nghỉ của Chúa và thờ phượng Ngài (Xuất 20:8-11).

(5) Nuôi nấng, khuyên bảo và sửa dạy con cái trong đường lối Chúa (Ê-phê-sô 6:4).

(6) Chăm sóc người trong thân quyến mình (2Ti 5:8).

Trong các trách nhiệm trên cho thấy Đức Chúa Trời có mục đích biến gia đình trở thành học đường, nhà thờ. Cha mẹ hay là gia trưởng là những người được giao thác cho sứ mạng để chăm sóc, dạy dỗ, đào tạo người thuộc trong vòng thân quyến mình trở thành người tôn thờ Chúa và phục sự Ngài. Vì vậy, nếu là người được cứu chuộc trong Đấng Christ mà xao lãng trách nhiệm của mình đối với quyến tộc, là điều sứ đồ Phao-lô cảnh cáo “…ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa” (2Ti-mô-thê 5:8b).

  1. Gương chăm sóc gia đình: Sau đây là những gương chăm sóc gia đình.
  2. Áp-ra-ham: Áp-ra-ham chẳng những chăm sóc, dạy dỗ con cái trong gia đình, mà còn hết lòng chăm sóc Lót, cháu mình. Sự chăm sóc được bày tỏ qua việc đem Lót cùng đi đến đất hứa phước hạnh, giải cứu Lót khỏi tay giặc, cầu thay cho Lót được cứu thoát khỏi cơn đoán phạt của Đức Chúa Trời trên thành Sô-đôm (Sáng 12:1-4; 13:1; 14:1,14-15; 18:22-33).
  3. Giô-sép: Bị các anh em bán xuống Ai-cập, nhưng chẳng oán giận, vì nhận biết sứ mạng của Chúa cho mình nên đã cứu sống cả gia đình khỏi cơn đói kém lớn (Sáng 45:5-8).
  4. An-ne: Người đàn bà son sẻ nhưng đã cầu xin Chúa một con trai, nuôi nấng và dâng cho Đức Chúa Trời. Con trai đó chính là Sa-mu-ên, một tiên tri lớn của Y-sơ-ra-ên (1Sa-mu-ên 1:21,28; 3:19-21).
  5. Gióp: Dầu giàu có vật chất, nhưng Gióp rất quan tâm đến các con mình về đời sống thánh sạch trước mặt Chúa (Gióp 1:4-5).
  6. Lô-ít: Bà nội tin kính Chúa đã dạy dỗ con cháu học biết Lời Chúa từ lúc còn thơ ấu và trở nên người lính giỏi của Đấng Christ. Đó là Ti-mô-thê (2Ti-mô-thê 1:5; 3:14-15).
  7. Ý NGHĨA CỦA SỰ CHĂM SÓC.

Qua những gương sáng trên cho chúng ta thấy sự chăm sóc gia đình là sự chăm sóc toàn diện bao gồm những khía cạnh như sau:

  1. Về phương diện thuộc thể: Nuôi nấng con cái lớn lên, giúp đỡ ủy lạo người trong thân quyến lúc cần. Như Giô-sép cung cấp thức ăn cho anh em khi túng thiếu; Áp-ra-ham liều mạng sống mình giải cứu Lót.
  2. Về phương diện tinh thần: Khuyến khích, an ủi và bày tỏ tấm lòng yêu thương của chúng ta đối với người khác trong gia đình. Như Giô-sép chẳng những chăm sóc các anh em về phần thuộc thể, nhưng cũng có lời vỗ về anh em trong khi họ bị mặc cảm tội lỗi (Sáng 45:5).
  3. Về phương diện tâm linh: Gieo trồng Lời Chúa trong tâm khảm con cái như Lô-ít. Theo dõi đời sống tin kính Chúa của con cái như Gióp. Khuyến khích con cái phục sự Chúa như An-ne, cũng như làm chứng cho những người còn lại trong thân tộc chưa tin Chúa.

Sự chăm sóc gia đình trong ba phương diện trên hẳn là một công việc nặng nề, đòi hỏi tình yêu thương, hy sinh, lòng kiên nhẫn, với giọt lệ cầu thay, với cả tâm lực, và tiền bạc của mình để chu toàn trách nhiệm.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ THẢO LUẬN.
  2. a. Đức Chúa Trời có mục đích gì cho gia đình và sứ mạng gì cho người có trách nhiệm trong gia đình? (Sáng 18:19; Xuất 20:8-11; Phục truyền 6:6-9; Giô-suê 4:21-24; Ê-phê-sô 6:4; 1Tim 5:8).
  3. a. Theo sự dạy dỗ của Lời Chúa và qua các gương sáng trong Kinh Thánh, sự chăm sóc gia đình gồm những khía cạnh nào?
  4. Tại sao chăm sóc gia đình là hầu việc Chúa?
  5. Gia đình bạn đang ở trong tình trạng nào?
  6. Qua Lời Chúa, bạn được nhắc nhở gì về trách nhiệm của mình đối với gia đình và có quyết định nào?

 

 

 

Post CommentLeave a reply