Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI. 17.05.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI. 17.05.2020

By H'Dên in NAM GIỚI on 11 Tháng Năm, 2020

Chúa nhật 17.05.2020.

  1. Đề tài: TẬN DỤNG ÂN TỨ VÀ TRAU DỒI PHẨM HẠNH.
  2. Kinh Thánh: Rô-ma 2:4-8; 1Côr 12:4-11,27-30; Mat 25:14-30.
  3. Câu gốc:Vì chúng ta có các sự ban cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta, ai được nói tiên tri, hãy tập nói theo lượng đức tin… ai làm sự thương xót, hãy lấy lòng vui mà làm” (Rô-ma 12:6,8c).
  4. Đố Kinh Thánh: Xuất 38-40.
  5. Thể loại: Học Kinh Thánh nhóm.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật 19.01.2020.

* CÂU HỎI GỢI Ý:

     Nhóm 1.                                

(1.1) Câu hỏi suy luận: Ân tứ có từ đâu? Gồm những ân tứ nào? (1Cô 12:4-11,27-30).

(1.2) Câu hỏi áp dụng: Bạn đã có ân tứ gì? Và bạn quý trọng nó ra sao?

(2.1) Câu hỏi suy luận: Mục đích Chúa ban mỗi người ân tứ khác nhau để làm gì?

(2.2) Câu hỏi áp dụng: Bạn đã dùng ân tứ Chúa ban cho để gây dựng và phát triển Hội Thánh như thế nào?

(3.1) Câu hỏi suy luận: Vì sao người nhận 1 ta-lâng không chịu làm gì cả? Hậu quả ra sao? (Ma-thi-ơ 25:16-18).

(3.2) Câu hỏi áp dụng: Bạn hầu việc Chúa giống người nào? Bằng chứng?

(4.1) Câu hỏi suy luận: Vì sao Chúa có lời khen giống nhau cho cả hai người có kết quả 5 ta-lâng và 2 ta-lâng? (Ma-thi-ơ 25:20-30).

(4.2) Câu hỏi áp dụng: Kết quả của bạn là gì?

(5.1) Câu hỏi suy luận: Tại sao người hầu việc Chúa phải chuyên tâm làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, trau dồi phẩm hạnh? (2Tim 2:15).

(5.2) Câu hỏi áp dụng: Bạn cần trau dồi thêm điều gì trong đời sống để đẹp lòng Đức Chúa Trời?

(6.1) Câu hỏi suy luận: Vì sao Phao-lô khuyên Ti-mô-thê những điều như có ghi trong 1Ti-mô-thê 4:12?

(6.2) Câu hỏi áp dụng: Trong những đức tính mà Phao-lô khuyên Ti-mô-thê, đức tính nào quan trọng nhất cho chúng ta trong ngày hôm nay? Tại sao?

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. DẪN GIẢI.

Người đời thường cậy sức cậy tài để làm việc, và khoe khoang về những thành công của mình. Cho nên khó thấy tài đức song toàn trong con người. Trái lại, người hầu việc Chúa làm việc bởi ân tứ của Chúa và với đời sống khiêm nhu của mình.

Trong thư 1Cô-rinh-tô 12, sứ đồ mô tả Đức Thánh Linh trong hình ảnh Đấng ban ân tứ cho các con cái Chúa. Không ai được Chúa gọi mà không được Ngài ban cho ân tứ để hầu việc. Vì vậy, hai điểm quan trọng chúng ta thảo luận trong bài học nầy là: Trách nhiệm và tư cách của người nhận ân tứ Chúa ban cho.

  1. SỰ BAN CHO ÂN TỨ.

Theo sự giãi bày của sứ đồ Phao-lô qua thư 1Cô-rinh-tô 12:4-11,27-30, chúng ta học biết được những điểm sau đây:

  1. Đức Thánh Linh là Đấng ban ân tứ, hay nói cách khác là mọi ân tứ thuộc linh đều đến từ Ngài.
  2. Mỗi con cái Chúa đều nhận được sự ban cho ân tứ, nhưng sự ban cho mỗi người khác nhau.
  3. Mục đích của sự ban cho khác nhau là vì lợi ích chung, để đem lại sự gây dựng thân thể Đấng Christ.

Vì vậy với ân tứ Chúa ban cho, người nhận cần biết những điểm quan trọng sau đây:

* Tận dụng ân tứ:

– Tận dụng ơn Chúa trong sự hầu việc Ngài, như trong lời khuyên của Phao-lô: “Vì chúng ta có các sự ban cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta, ai được ban cho nói tiên tri, hãy tập nói theo lượng đức tin; ai được gọi đến làm chức vụ, hãy buộc mình vào chức vụ; ai dạy dỗ, hãy chăm mà dạy dỗ; ai gánh việc khuyên bảo, hãy khuyên bảo; ai bố thí hãy lấy lòng rộng rãi mà bố thí; ai cai trị, hãy siêng năng mà cai trị; ai làm sự thương xót, hãy lấy lòng vui mà làm” (Rô-ma 12:6-8).

* Trau dồi và phát triển ân tứ:

– Chẳng những tận dụng ân tứ Chúa ban, nhưng còn biết trau dồi và phát triển ân tứ ấy, như trong thí dụ về các ta-lâng, chúng ta học biết:

(1) Người nhận ta-lâng hay ân tứ Chúa ban có trách nhiệm trau dồi và phát triển ân tứ ấy có ích lợi cho công việc nhà Chúa.

(2) Với người biết trau dồi và tận dụng ân tứ Chúa cho, chắc sẽ được Ngài ban thêm nhiều ân tứ khác nữa: Mác bắt đầu hầu việc Chúa với khả năng hạn hẹp, nhưng chịu khó học tập và hầu việc Chúa trong những việc nhỏ. Vì thế, từ chỗ phụ giúp sứ đồ Phao-lô, sau đó ông được cho thêm ân tứ, có tài dạy dỗ và đã trở thành trước giả sách Tin lành Mác, bày tỏ ơn cứu rỗi của Chúa Giê-xu cho nhiều người (Cô-lô-se 4:10). Lu-ca vốn là một y sĩ và ông đã dùng khả năng đó hầu việc Chúa, được Ngài dùng trong việc lớn hơn, đã trở thành trước giả hai sách trong Kinh Thánh tức là Lu-ca và Công Vụ Các Sứ Đồ. Ê-tiên, người có ơn cứu trợ, giúp việc bàn tiệc, nhưng ông đã trung tín với công việc Chúa giao, và từ đó ông được ban thêm cho ân tứ rao giảng Tin lành cách đầy quyền năng (Công vụ 6:1-15). Bác sĩ Schweitzer, một nhân tài thật, từ người giảng đã trở thành nhà thần đạo, một triết gia, bác sĩ, nhạc sư và ông đã dùng mọi tài năng ân tứ ấy trong lý tưởng phục vụ Chúa.

(3) Người không tận dụng ân tứ Chúa cho, chắc chắn sẽ bị mất ân tứ ấy, và còn bị quở phạt như người đầy tớ đem chôn ta-lâng chủ giao thay vì đem làm lợi ra (Ma-thi-ơ 25:14-30). Điều nầy cảnh tỉnh chúng ta hãy hầu việc Chúa với tấm lòng trung tín và tinh thần siêng năng với ân tứ Chúa ban cho.

* Trau dồi phẩm hạnh.

Nếu chỉ có sự trau dồi ân tứ mà không trau dồi phẩm hạnh là điều thiếu sót lớn cho người hầu việc. Vì trong sự hầu việc, công việc thường đi đôi với đời sống. Chúa đáng được tin cậy và tôn thờ hay không là tùy ở chỗ người ta thấy Ngài qua đời sống chúng ta. Trong đời sống chức vụ, Phao-lô rất chú ý đến sự gìn giữ phẩm hạnh của mình, ông cũng khuyên Ti-mô-thê và các tín hữu phục vụ Chúa hãy trau dồi những đức tính của người hầu việc như là: Trung thành, siêng năng, tận tụy, nhịn nhục, chân thật, yêu thương, khoan nhân, đức tin và thánh sạch (1Cô-rinh-tô 4:1-2,11-12; 2Cô-rinh-tô 2:17; 6:3-10; 1Ti-mô-thê 4:12; 2Ti-mô-thê 2:15). Qua những đức tính nầy, chúng ta có thể hình dung người hầu việc Chúa trong hình ảnh giống Chúa về sự công bình, thánh sạch và yêu thương. Một đời sống như vậy thật có ảnh hưởng lớn và sự hầu việc Chúa của chúng ta chắc sẽ hữu hiệu, kết quả cho Danh Ngài.

Tóm lại, chúng ta ghi nhận hai điểm sau đây:

– Có ân tứ Chúa chưa đủ, chúng ta cần có đời sống phẩm hạnh xứng đáng với ân tứ Chúa ban.

– Người có ân tứ của Chúa mà không tận dụng cho Chúa, chắc sẽ bị mất, trái lại người biết trau dồi và sử dụng có ích cho việc Chúa, chắc sẽ được cho thêm.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Xin đọc 1Cô-rinh-tô 12:4-11, 27-30.
  3. Các ân tứ đến từ đâu và được ban cho như thế nào?
  4. Mục đích của sự ban cho ân tứ?
  5. Với ân tứ Chúa ban, chúng ta phải sử dụng thế nào? (Rô-ma 12:6-8).
  6. Xin đọc Ma-thi-ơ 25:14-30.
  7. Trách nhiệm của người nhận ân tứ?
  8. Phẩm hạnh của người hầu việc Chúa là gì?
  9. Qua thí dụ trên cho người hầu việc Chúa bài học gì?
  10. a. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và ghi nhận những đức tính cần có trong đời sống người hầu việc Chúa.

(1) Ma-thi-ơ 25:23.

(2) 1Cô-rinh-tô 4:1-2,11-13; 2Cô-rinh-tô 2:17; 6:3-10.

(3) 2Ti-mô-thê 2:15.

  1. Tại sao người hầu việc Chúa cần trau dồi những đức tính ấy?
  2. Mối tương quan giữa ân tứ và phẩm hạnh trong đời sống người hầu việc Chúa là gì? (1Ti-mô-thê 4:12-16).
  3. Tại sao cần phải trau dồi ân tứ và phẩm hạnh trong đời sống người hầu việc Chúa?
  4. a. Với ân tứ Chúa cho, bạn đang tận dụng hay chôn giấu?
  5. Đời sống bạn có đức tính nào làm gương cho người khác không?

 

 

Post CommentLeave a reply