Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. 09.03.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. 09.03.2020

By H'Dên in Thanh niên on 9 Tháng Ba, 2020

Chúa nhật 15.03.2020

  1. Đề tài: SỰ CHẾT CỦA NGƯỜI TIN CHÚA.
  2. Kinh Thánh: Rô-ma 5:12-14; Hê-bơ-rơ 9:27; 2Côr 5:1-10.
  3. Câu gốc: “Từ rày phước thay cho những người chết là người chết trong Chúa! Đức Thánh Linh phán: Phải, vì những người ấy nghỉ ngơi khỏi sự khó nhọc, và việc làm mình theo sau” (Khải 14:13b).
  4. Đố Kinh Thánh: Lu-ca 12-16.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Chia sẻ.

  1. Mời người chia sẻ từ 2 tuần trước.
  2. Ghi ra giấy đề tài, phần Kinh Thánh làm nền, câu gốc, phần Kinh Thánh tham khảo và trao cho người chia sẻ để người ấy chia sẻ đúng nhu cầu và chương trình của ban Thanh niên. Nếu cần, bạn cho mượn cả phần tài liệu tham khảo.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Sống trên đời nầy, điều mà không ai có thể tránh được là sự chết. Nhưng có phải chết là hết và bên kia phần mộ chỉ là hư vô như người vô thần nghĩ không?

Cho dù có người phủ nhận sự bất diệt của linh hồn, nhưng trong tiềm thức, trong tín ngưỡng của con người nói chung đều chứng tỏ có sự thực hữu của đời sau, là điều Kinh Thánh quả quyết cách rõ ràng. Như thế sự chết của con người có nghĩa gì? Và sau khi chết con người sẽ đi về đâu?

Dựa vào Kinh Thánh, chúng ta học biết những vấn đề trên, đặc biệt về sự chết của người tin Chúa.

  1. DẪN GIẢI.
  2. ĐỊNH NGHĨA VỀ SỰ CHẾT.

– Đối với bác sĩ, bệnh nhân chết là khi tim ngừng đập và các bộ phận trong cơ thể ngừng hoạt động.

– Với người vô thần, con người chỉ có sự sống thể chất, cho nên chết là hết, chết có nghĩa là chấm dứt sự sống.

Nhưng Kinh Thánh cho biết gì về sự chết?

Theo Truyền Đạo 12:7 cho thấy, ý chính của sự chết được diễn tả trong hai chữ phân rẽ hay chia cách. Bản chất con người được kết hợp bởi hai yếu tố thể xác và linh hồn. Thể xác đến từ bụi đất và linh hồn đến từ Đức Chúa Trời. Vì thế, sự chết được Kinh Thánh nói đến trong ba hình thức sau:

(1) Sự chết thuộc thể: Là xác thịt bị phân rẽ với linh hồn (Rô-ma 5:12; Truyền 12:7).

(2) Sự chết thuộc linh: Linh hồn bị phân cách với Đức Chúa Trời (Ê-sai 59:1; Ê-phê-sô 2:1).

(3) Sự chết đời đời hay sự chết thứ hai: Trong ngày sau rốt, người ác sẽ sống lại để linh hồn và thể xác chịu hình phạt đời đời trong hồ lửa, bị phân cách vĩnh viễn với Đức Chúa Trời (Khải 20:14).

Như thế người không tin Chúa chắc chắn phải trải qua ba sự chết: Hiện tại là chết tâm linh, rồi đến chết thuộc thể và sẽ đi vào sự chết đời đời. Nhưng người tin Chúa chỉ trải qua sự chết thuộc thể như người chẳng tin, vì đó là định luật chung cho loài người sa ngã trong dòng dõi của A-đam (Hê-bơ-rơ 9:27). Mặc dầu sự chết thuộc thể là một phần của sự rủa sả trong án phạt của Đức Chúa Trời (Sáng 3:19), tuy nhiên, đối với người tin, sự chết không còn là án phạt của tội lỗi nữa. Nhờ sự chết của Đấng Christ, án phạt của tội lỗi trên người tin được cất khỏi (Giăng 3:36; 5:24). Dầu hiện tại, nọc sự chết vẫn còn hoạt động trên con người, nhưng sự chết chẳng có quyền gây hại trên người tin, vì Đấng Christ đã phá hủy dây trói của sự chết. Đối với người tin, sự chết là giấc ngủ, một giai đoạn chờ đợi để được sự cứu chuộc của thân thể cách vinh hiển trong ngày Chúa Giê-xu trở lại (Hê-bơ-rơ 2:14-16; Giăng 11:11,14; 1Côr 15:55-57; 1Tê 4:15).

Tóm lại, với người chẳng tin, sự chết là một án phạt, là bước vào nơi đoán phạt của tội lỗi. Trái lại, sự chết của người tin có hai đặc điểm sau: (1) Sự chết không phải là hình án của tội lỗi, nhưng là cái cổng để bước vào sự sống với Chúa. (2) Sự chết chỉ là một giấc ngủ.

Chết không phải là hết vì sự bất diệt của linh hồn, và bên kia sự chết là cánh cửa hé mở cho thấy sự thực hữu của đời sau.

  1. ĐỜI SAU CỦA NGƯỜI TIN CHÚA.
  2. Nơi ở của người tin Chúa.

Trong Kinh Thánh có nói đến “âm phủ” (Hades). Chữ âm phủ theo tiếng Hy-bá-lai là Shéol, và tiếng Hy-lạp là Hadès chỉ chung về chỗ ở của người chết, tức là người trong tình trạng linh hồn bị phân rẽ với thể xác. Theo sự bày tỏ trong Lu-ca 16:22-23, chúng ta được biết người tin Chúa trong thời Cựu ước khi qua đời thì vào âm phủ. Nơi ấy được chia làm hai chỗ cách biệt. Một là nơi khổ hình dành cho người ác, tạm gọi là “địa ngục”; và một nơi gọi là “lòng Áp-ra-ham”, mà người Do Thái thường gọi đó là Lạc viên hay
Ba-ra-đi dành cho người công bình. Căn cứ vào những câu Kinh Thánh Ê-phê-sô 4:8; Lu-ca 23:42-43; 2Cô-rinh-tô 5:1-8, các nhà giải kinh cho rằng từ khi Đấng Christ phục sinh và thăng thiên, thì Lạc viên của Đức Chúa Trời ở trong lòng Áp-ra-ham cũng đã được cất lên với Ngài. Từ đó Lạc viên có nghĩa là nơi ở của Chúa. Như thế trong thời Tân ước, người tin Chúa qua đời không phải đi xuống âm phủ nữa, nhưng được cất lên chốn Ba-ra-đi với Chúa. Như lời Chúa Giê-xu hứa với tên cướp trong giờ phút hấp hối tin nhận Ngài.

  1. Cảnh trạng của người qua đời trong nơi Lạc viên.
  2. Ở trong cảnh sống thật, nghĩa là có sự cảm biết: Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời là Chúa của người sống (Ma-thi-ơ 22:32), và trong Khải Huyền 6:9-11 nói đến những linh hồn của người bị chết vì danh Chúa yêu cầu Ngài báo thù vì sự đổ huyết của họ. Điều nầy cho thấy linh hồn của người tin Chúa qua đời được sống với Chúa chớ không phải như chủ trương của giáo phái Cơ Đốc Phục Lâm, cho rằng bất luận người tin hay không tin khi qua đời thì linh hồn cứ ngủ mê chờ ngày phán xét của Chúa.
  3. Có sự nhận biết và trò chuyện với nhau: Như trong chuyện người giàu có và La-xa-rơ trong âm phủ, chúng ta thấy người giàu có nhận biết Áp-ra-ham, nhận biết La-xa-rơ, và họ nói chuyện với nhau (Lu-ca 16:23-31).
  4. Có sự hiểu biết hơn: Theo 1Cô-rinh-tô 13:12, khi được sống với Chúa và ở trong sự hiện diện của Ngài, sự hiểu biết Chúa của người tin sẽ đầy trọn hơn.
  5. Được nghỉ ngơi và hưởng phước: Người tin Chúa qua đời được nghỉ ngơi và phước hạnh (Khải Huyền 6:11; 14:13).
  6. Trong tình trạng chưa đầy trọn: Mặc dầu nơi Lạc viên, người qua đời an nghỉ phước hạnh trong sự hiện diện của Chúa, nhưng đây chỉ là cảnh trạng tạm cư của người tin Chúa để chờ đợi sự cứu chuộc của thân thể, nhận sự ban thưởng của Chúa và sự sống đời đời trong Nước vinh hiển của Ngài. Điều nầy sẽ được thể hiện cách trọn vẹn cho người tin trong ngày Đấng Christ tái lâm.
  7. NIỀM TIN CỦA CHÚNG TA VỀ SỰ CHẾT.

Với sự bày tỏ của Kinh Thánh, chúng ta:

  1. Phủ nhận các tà thuyết về sự chết.

Một trong các giáo thuyết sai lầm là ngục luyện tội. Chúng ta không nhận giáo thuyết nầy vì những lý do sau đây:

  1. Không có nền tảng của Kinh Thánh: Không có nơi nào trong Kinh Thánh nói cách trực tiếp về ngục luyện tội, không có dẫn chứng nào của Kinh Thánh về việc nhờ lễ Mi-sa để giải tội cho người chết nơi ngục luyện tội, hay sự luyện tội lỗi bằng lửa cháy phừng phừng!
  2. Chối bỏ lẽ thật về sự cứu rỗi của Đấng Christ: Thuyết ngục luyện tội đã đánh mất những giáo lý quan trọng của sự cứu rỗi:

– Huyết của Chúa Giê-xu có linh nghiệm tẩy sạch mọi tội lỗi của tội nhân (1Giăng 1:7; Hê-bơ-rơ 9:14).

– Được sự cứu rỗi là hoàn toàn nhờ ân điển của Chúa và bởi đức tin (Ê-phê-sô 2:8).

– Đời nầy là cơ hội nhận sự cứu rỗi (Lu-ca 16:26).

Nhưng thuyết ngục luyện tội đã chối bỏ những giáo lý trên. Cậy vào nghi lễ báp-tem và dựa vào công đức riêng để xem ai được vào thiên đàng hay phải vào ngục luyện tội, cũng như cậy lễ Mi-sa, sự đọc kinh cầu nguyện của giáo hội để giải tội cho người chết là điều trái với sự dạy dỗ của Kinh Thánh.

  1. Vượt trên quyền của Chúa: Thuyết ngục luyện tội tạo cho giáo hội có uy quyền lớn: Quyền giải tội. Quyền ấy đã đem lại cho giáo hội nguồn lợi lớn! Chỉ có Đấng Christ là đầu của Hội Thánh, và sự tha thứ tội là do huyết Ngài. Tạ ơn Chúa, bởi ân điển Đức Chúa Trời, Ngài không “bán” nhưng “ban” sự cứu rỗi cho chúng ta cách không điều kiện.

Vì những lý do trên, chúng ta không tin có ngục luyện tội. Chúng ta cũng không tin sự cầu nguyện cho người chết.

  1. Sẵn sống, sẵn chết.

Vì biết sự chết chỉ là giấc ngủ tạm thời, và biết rõ nơi chúng ta sẽ đi đến, cho nên trong niềm tin nơi Chúa, chúng ta hãy sống cho Chúa, hết sức làm đẹp lòng Chúa, và cũng sẵn sàng chết vì danh Ngài (2Côr 5:8-9; Phi-líp 1:21-26).

  1. Bình an bước qua sự chết.

Chúng ta có sợ hãi khi bước qua sự chết không?

Phao-lô là người đã một lần “được đem lên đến chốn Ba-ra-đi” (2Côr 12:4). Nên nếu chọn giữa sự sống và sự chết, Phao-lô nói rằng: “…muốn đi ở với Đấng Christ, là điều rất tốt hơn” (Phi-líp 1:23). Không có gì phước hạnh hơn cho người được sống với Chúa. Hãy biết rằng Chúa Giê-xu đang đứng bên hữu Đức Chúa Trời chờ đón chúng ta và khi chúng ta lìa đời chắc sẽ được tiếp đi với Ngài (Công 7:56,60). Chúa cũng đã hứa ở cùng chúng ta khi chúng ta đi trong trũng bóng chết (Thi 23:4). Vậy chúng ta hãy có lòng bình an trong Ngài. Với niềm tin và hy vọng nhìn xuyên qua hoàng hôn của sự chết, chúng ta thấy một bình minh tươi sáng của sự sống bất diệt trong Cứu Chúa phục sinh.

Tóm lược.

(1) Chết là sự phân rẽ. Có ba hình thức của sự chết trong con người phạm tội: Chết thể xác, chết tâm linh, và chết đời đời.

(2) Chết không phải là hết, bên kia sự chết còn có đời sau.

(3) Đối với Cơ đốc nhân, sự chết của thân thể không phải là một án phạt của tội lỗi, nhưng đó chỉ là một giấc ngủ. Sau khi chết, linh hồn người tin Chúa sẽ được cất lên chốn Lạc viên trên trời. Được ở với Chúa, được sống trong sự hiện diện của Chúa, được hiểu biết Chúa hơn, có sự cảm biết và nhận biết nhau, được nghỉ ngơi và hưởng phước. Đây là giai đoạn có thể gọi là “tạm cư” chờ đợi ngày tái lâm của Đấng Christ để thân thể được cứu chuộc, được vào sự sống đời đời trong Nước Vĩnh Sanh của Đức Chúa Trời. Vì thế, sự qua đời của người tin Chúa được Kinh Thánh bày tỏ là điều quí báu, phước hạnh trước mặt Đức Giê-hô-va (Thi 116:15; Khải 14:13).

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu.
  3. Sáng Thế Ký 3:19; Truyền Đạo 12:7: Điểm chính của ý nghĩa về sự chết có thể được diễn tả trong hai chữ nào?
  4. Theo ý nghĩa trên, sự chết được Kinh Thánh diễn tả trong ba hình thức nào? * Rô-ma 5:12; Truyền Đạo 12:7. * Ê-sai 59:2; Ê-phê-sô 2:1. * Khải Huyền 20:14.
  5. Tìm hiểu ý nghĩa sự chết của người tin Chúa qua những câu Kinh Thánh sau đây:
  6. Rô-ma 5:12; Giăng 5:24. Sự chết của người tin Chúa có phải là sự đoán phạt của tội lỗi không? Tại sao?
  7. 1Cô-rinh-tô 11:30-32: Tại sao sự chết vẫn xảy ra cho người tin Chúa phạm tội?
  8. Giăng 11:11,14, 1Tê-sa-lô-ni-ca 4:15: Với Cơ đốc nhân, sự chết được gọi là gì? Tại sao?
  9. Qua sự ghi nhận trên, chúng ta tìm thấy trong sự chết của người tin Chúa có những đặc điểm nào?
  10. Xin tìm hiểu ý nghĩa những chữ sau đây:
  11. Âm phủ trong Lu-ca 16:23.
  12. Ba-ra-đi trong Lu-ca 23:42-43; 16:22.
  13. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
  14. Công 7:55-56; 59-60: Khi qua đời, người tin Chúa được ai tiếp đi?
  15. Lu-ca 16:22; 23:42-43: Đâu là nơi ở của người tin Chúa khi qua đời? So sánh nơi ở nầy với cảnh sống hiện tại? (2Côr 5:1-8; Khải 2:7).
  16. Đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu người qua đời ở trong cảnh trạng nào?
  17. 1Tê-sa-lô-ni-ca 5:9,10; Ma-thi-ơ 22:32: Được sống cảm biết hay linh hồn ngủ mê?
  18. Khải Huyền 14:13: Được yên nghỉ phước hạnh hay sợ hãi?
  19. Lu-ca 16:23: Trong cõi đời sau, người ta có sự nhận biết nhau không và nhận biết như thế nào?
  20. 1Cô-rinh-tô 13:12: Có sự tăng trưởng về sự hiểu biết Chúa trong người Cơ đốc sau khi qua đời không?
  21. Qua ghi nhận trên, xin tóm tắt những đặc điểm về nơi và cảnh trạng của người tin Chúa sau khi qua đời.
  22. Qua những đặc điểm trên, cho chúng ta tìm thấy chân lý gì về sự chết của người tin Chúa? (Thi 116:15; Khải 14:12).
  23. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
  24. Phi-líp 1:21-26: Mong ước hơn hết của Phao-lô là gì? Tại sao ông hoãn sự mong ước ấy?
  25. 2Cô-rinh-tô 5:8-9: Phao-lô khuyên tín hữu có lòng tin cậy nào và phải sống như thế nào trong đời nầy?
  26. Chúng ta học được gì về thái độ đối với sự sống và sự chết trong niềm tin của Cơ đốc nhân?
  27. Có ngục luyện tội không? Vì sao?

 

 

 

Post CommentLeave a reply