Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. 01.03.20120

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. 01.03.20120

By H'Dên in Thanh niên on 25 Tháng Hai, 2020

Chúa nhật 01.03.2020

  1. Đề tài: THANH NIÊN VỚI VẤN ĐỀ TỰ VỆ BẢN THÂN.
  2. Kinh Thánh: Thi Thiên 121; Lu-ca 22:47-51; Giăng 18:11.
  3. Câu gốc: “Đức Giê-hô-va là Đấng gìn giữ ngươi; Đức Giê-hô-va là bóng che ở bên hữu ngươi” (Thi 121:5).
  4. Đố Kinh Thánh: Lu-ca 1-5.
  5. Thể loại: Thảo luận.

* CHỈ DẪN: Thảo luận.

  1. Từ nhiều tuần trước, ủy viên linh vụ giao đề tài cho hai nhóm:

– Đề tài 1: Sự tự vệ là điều không cần thiết đối với người Cơ đốc.

– Đề tài 2: Sự tự vệ là điều cần thiết và hợp lẽ với người Cơ đốc.

  1. Mỗi nhóm họp lại, cử ra hai người thay mặt nhóm để thảo luận và bênh vực ý kiến của nhóm mình. Cần chuẩn bị nội dung thật kỹ để buổi thảo luận sôi nổi và hào hứng.
  2. Ban hướng dẫn nhờ một người hiểu biết lời Chúa, từng trải thuộc linh và y học để đúc kết giờ thảo luận. Phải hết sức cẩn thận vì đúc kết sai sẽ làm rối trí các ban viên và gây nguy hại cho Hội Thánh. Nếu cần, cho người ấy mượn tài liệu tham khảo mà bạn đang có.
  3. Giờ thảo luận.
  4. Người hướng dẫn tuyên bố đề tài thảo luận và mời đại diện hai nhóm lên ngồi đối diện nhau trước các ban viên.
  5. Người hướng dẫn tuyên bố quy luật của buổi thảo luận: Mỗi nhóm tự do trình bày, bênh vực ý kiến của nhóm mình (nhưng không tranh cãi để dành phần thắng). Thời gian: 20 phút.
  6. Đúc kết (15 phút): Người đúc kết phải dựa trên lời Chúa (chứ không phải lý luận) để nói lên chân lý.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Chúng ta đang sống trong thời đại tội lỗi gia tăng. Phạm pháp, bạo động dưới nhiều hình thức khác nhau xảy ra khắp nơi. Nhất là tại các xứ văn minh, với sự rạn nứt trong gia đình, sự suy đồi đạo đức, sự lan tràn của những tệ nạn xã hội, cùng sự xuất hiện của các băng đảng đã gây nhiều thảm trạng mà chúng ta thường nghe thấy hằng ngày. Trước hiện trạng bất an, quấy phá trong xã hội, cuộc sống con người đương đầu với nhiều thứ đe dọa. Giết người, trộm cướp, hành hung, bắt cóc, hiếp dâm… tiếp diễn không dừng để lại những hậu quả thật là đáng thương!

Mặc dầu sự bắt giữ tội phạm, giữ gìn an ninh trong xã hội là công việc của nhà cầm quyền. Tuy nhiên, trên phương diện cá nhân, đối với kẻ gây hại, sự tự vệ là điều cần thiết và hợp lẽ không? Người Cơ đốc hiểu như thế nào về vấn đề này?

  1. DẪN GIẢI.
  2. SỰ TỰ VỆ TRONG QUAN ĐIỂM CỦA KINH THÁNH.

Tự vệ là điều hợp lẽ không? Theo Kinh Thánh chúng ta học biết những điểm sau đây:

  1. Sự bảo vệ của Chúa và sự tự vệ của chúng ta.

Nghĩa là sự tự vệ của chúng ta trong sự bảo vệ của Chúa. Kinh Thánh cho chúng ta thấy cả hai khía cạnh này. Trước hết, chúng ta nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng bảo vệ con cái Ngài. Nhưng về phần con người, chúng ta cũng có trách nhiệm gìn giữ an ninh cho mạng sống của mình, cho người trong gia đình mình, theo sự khôn ngoan và sức mạnh Chúa ban cho để đối phó trước hoàn cảnh nguy biến. Tuy nhiên, dầu có nhiều cách tự vệ, nhưng trong từng trải, con dân Chúa vẫn luôn nhìn biết Đức Chúa Trời là Đấng gìn giữ giải cứu họ (Thi 91). Nếu không có sự che chở của Ngài, thì sự tự vệ của con người chẳng hữu hiệu gì! Vì “…nhược bằng Đức Giê-hô-va không coi giữ thành, thì người canh thức canh luống công!” (Thi 127:1).

  1. Tự vệ trong đường lối hòa bình.

Sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu trong Ma-thi-ơ 5:38-41 không có nghĩa con cái Chúa thụ động ngồi yên để cho kẻ ác vào nhà hành hung vợ con mà không có sự tự vệ đối phó (Lu-ca 11:21; Xuất 3:17). Nhưng lời Chúa dạy trên nguyên tắc chung trong sự đối với kẻ thù nghịch là lấy “nhu thắng cương”, lấy sự nhịn nhục thắng bạo quyền, lấy tình yêu thương thắng hận thù. Trong đường lối hòa bình, Chúa Giê-xu dạy môn đồ cách tự vệ đó là chạy trốn kẻ gây hại mình, thay vì võ trang chống lại kẻ dữ (Ma-thi-ơ 10:23). Ngài cũng nhắc họ đừng lo binh vực mình, vì Chúa sẽ ban cho có sự khôn ngoan để đối phó với kẻ thù nghịch (Lu-ca 21:14).

  1. Sự tự vệ tùy từng trường hợp, tùy từng hoàn cảnh.

Trong Lu-ca 22:38 cho chúng ta thấy trong vòng các môn đồ Chúa có hai thanh gươm, và một trong thanh gươm đó là của
Phi-e-rơ. Gươm là thứ khí giới tự vệ thông thường thời ấy. Vì trong thời Chúa Giê-xu, xã hội không có an ninh, đời sống người dân bị trị không được bảo vệ chặt chẽ bởi chính quyền, loạn lạc, cướp bóc là điều thường xảy ra. Nên việc đeo gươm tự vệ là chuyện rất bình thường lúc bây giờ, như Phi-e-rơ đã làm từ trước lúc ông theo Chúa. Và Chúa Giê-xu cũng không đặt vấn đề này với các môn đồ. Khi Ngài sắp bước vào giờ thương khó, câu hỏi của Chúa Giê-xu hỏi môn đồ có bao nhiêu gươm, không có nghĩa Chúa khuyến khích họ dùng gươm để đối phó với kẻ thù nghịch sắp đến bắt Ngài, nhưng câu đáp của Chúa “ấy là đủ”. Trong tình trạng xã hội hỗn loạn, người ta phải bán đồ mình có để mua gươm tự vệ, dầu vậy các môn đồ không cần phải làm như vậy, vì đã đến giờ Chúa nộp mình theo ý chỉ của Cha trên trời. Khi kẻ thù xông vào, các môn đồ toan tự vệ, nhưng Chúa Giê-xu truyền lịnh cho họ “hãy nạp gươm vào vỏ” (Lu-ca 22:48-51; Ma-thi-ơ 26:51-53).

Lời phán của Chúa Giê-xu “hãy nạp gươm vào vỏ” đã đưa
Phi-e-rơ đến một bước chuyển mới: Từ việc dùng gươm chém đứt tai đầy tớ thầy tế lễ, Phi-e-rơ bắt đầu dùng thứ gươm mới – gươm Thánh Linh. Và suốt cuộc đời còn lại của Phi-e-rơ, ông đã tự vệ với thứ khí giới này (Công 5:29-32): Trong các cuộc hành trình truyền giáo, sứ đồ Phao-lô cũng đã từng đương đầu với những sự đe dọa đến tánh mạng. Trong 2Côr 11:25-27, Phao-lô kể những thứ nguy hiểm ông đã gặp, nhưng sự tự vệ của ông được đặt trong sự bảo vệ của Đức Chúa Trời.

Tóm lại qua phần thảo luận Kinh Thánh trên, chúng ta nhận thấy những điểm sau đây:

  1. Sự tự vệ là điều hợp lẽ, tuy nhiên đối với người Cơ đốc, sự tự vệ của chúng ta đặt trong nguồn tiếp trợ của Đức Chúa Trời.
  2. Trong nếp sống hòa bình, người Cơ đốc thà “làm nạn nhân hơn là làm phạm nhân”.
  3. Trong sự tự vệ của người Cơ đốc cần nhờ Chúa dẫn dắt để biết cách nào thích ứng với mỗi hoàn cảnh. Hoặc trường hợp chúng ta không cần phải tự lo liệu, nhưng đặt mình trong sự che chở của Chúa, hoặc có trường hợp chúng ta cần có sự khôn ngoan biết cách đối phó với kẻ nghịch. Hoặc có trường hợp chúng ta nhờ sự can thiệp của pháp luật, hoặc dùng những phương tiện đề phòng an ninh.
  4. NGƯỜI CƠ ĐỐC VỚI VẤN ĐỀ TỰ VỆ.

Trong vấn đề tự vệ, có thể vài câu hỏi được nêu lên như sau:

  1. Dùng khí giới tự vệ có gì sai không?

Dùng khí giới phòng thân là điều thông thường trong xã hội và cũng hợp pháp. Đối với người Cơ đốc, sự dùng khí giới tự vệ trong hoàn cảnh đặc biệt có cần, có lý do chính đáng, thì không có gì là sai. Tuy nhiên, nên nhớ rằng khí giới không phải là cứu cánh cho sự an toàn tính mạng. Cho nên nếu dùng thứ tự vệ này cũng cần có sự khôn ngoan biết phải sử dụng thế nào cho thích hợp trong mỗi trường hợp. Nếu không thì trước hết trở thành hiểm họa cho bản thân hơn là phòng thân. Như lời Chúa cảnh cáo Phi-e-rơ “…hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết vì gươm” (Ma-thi-ơ 26:52).

  1. Có nên học võ để phòng thân không?

Sự gởi con trẻ vào các trường võ thuật với mục đích phòng thân là điều chúng ta nên xét lại. Cũng nên biết rằng một số các môn võ ngày nay đến từ võ Zen của Phật giáo Nhật. Các nhà sư luyện tập với mục đích “xuất thần”. Chữ “do” trong các môn võ Judo, Kendo, Aikido theo tiếng Nhật có nghĩa là cách để xuất thần. Trong một khía cạnh võ là một kỹ thuật cao để tự vệ. Nhưng mặt khác cũng có thể tạo trong người tình trạng “lâng lâng xuất thần”, một tình trạng không thuận lợi cho sự phát triển bình thường của trẻ con.

Tóm lại, có thể chúng ta suy nghĩ nhiều cách để chuẩn bị tự vệ cho con em mình. Nhưng chúng ta đừng quên điều quan trọng hơn hết là vun trồng trong con cái niềm tin vững chắc nơi Đức Chúa Trời là Đấng bảo vệ chúng.

Tóm lược.

  1. Sự tự vệ là điều hợp pháp và hợp lẽ với người Cơ đốc.
  2. Sự tự vệ của người Cơ đốc được đặt trên tiêu chuẩn:

– Sự tự vệ của chúng ta trong sự bảo vệ của Chúa.

– Sự tự vệ trong đường lối hòa bình, không bạo động.

– Tự vệ mỗi cách khác nhau tùy trường hợp và hoàn cảnh.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Quyền tự vệ được sử dụng như thế nào? Trong phạm vi nào?
  3. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
  4. Thi Thiên 121: Trong sự an ninh của đời sống, trước nhất chúng ta cần học biết điều gì?
  5. Lu-ca 22:48-51; Ma-thi-ơ 26:51-53: Các sứ đồ có phản ứng thế nào trước kẻ đến bắt Chúa? Và lời phán bảo của Chúa Giê-xu có nghĩa gì?
  6. Lu-ca 22:38: Tại sao có gươm trong vòng môn đồ của Chúa? Điều này có nghĩa gì?
  7. Sự tự vệ của người Cơ đốc có trái với sự dạy dỗ của Chúa trong Ma-thi-ơ 5:38-41 không? (xem thêm Lu-ca 11:21; Xuất 3:17).
  8. Qua sự tìm hiểu trên:
  9. Xin cho biết sự tự vệ là điều hợp lẽ với người Cơ đốc không?
  10. Sự tự vệ của người Cơ đốc được đặt trong đường lối nào và có sự khác biệt gì với sự tự vệ theo quan điểm của người đời?
  11. Chúng ta có thái độ như thế nào đối với sự tự vệ?
  12. Xin tìm hiểu:
  13. Trường hợp nào cần tự vệ và trường hợp nào không cần tự vệ?
  14. Người Cơ đốc có thể tự vệ bằng những cách nào?
  15. Xin cho biết:

– Sự tự vệ của bạn có đặt trong sự bảo vệ của Chúa không?

– Bạn có thái độ nào đối với kẻ gây hại mình?

– Sự tự vệ của bạn trong đường lối hòa bình hay bạo động?

 

 

 

 

 

Post CommentLeave a reply