Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 09.2.2020

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN THANH NIÊN. CHÚA NHẬT 09.2.2020

By H'Dên in Thanh niên on 3 Tháng Hai, 2020

Chúa nhật 09.02.2020

  1. Đề tài: THANH NIÊN VỚI VIỆC GIẢI TRÍ.
  2. Kinh Thánh: Truyền Đạo 3:12-13; 11:9; 1Cô-rinh-tô 10:31.
  3. Câu gốc: “Nầy là ngày Đức Giê-hô-va làm nên, chúng tôi sẽ mừng rỡ và vui vẻ trong ngày ấy” (Thi 118:24).
  4. Đố Kinh Thánh: Mác 6-11.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: Xem hướng dẫn Chúa nhật 19.01.2020.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Trong các xã hội văn minh kỹ nghệ thường để lại hai hậu quả: Người ta bị căng thẳng tinh thần vì lối làm việc theo máy móc trong các hệ thống dây chuyền. Bù lại người ta có thì giờ rảnh nhiều hơn so với cách làm việc dùng sức lao động. Trong những thế kỷ trước, người ta phải làm nhiều giờ để đáp ứng cho nhu cầu của cuộc sống thì ngày nay với năng suất cao, người ta không phải làm mỗi tuần 80 đến 90 giờ nhưng số giờ làm việc giảm xuống một nửa. Hiện nay tại Hoa Kỳ số giờ làm việc trung bình khoảng 1.800 giờ/năm. Tại Âu Châu công nhân làm việc trung bình 1.600 giờ/năm và đang có khuynh hướng đòi hỏi làm ít giờ hơn, lợi tức cao hơn, ngày nghỉ nhiều hơn. Tại Đức, hằng năm công nhân được hưởng sáu tuần lễ phép có lương.

Như vậy trên lý thuyết, con người ngày nay có nhiều thì giờ rảnh rỗi hơn, nên xã hội cũng đáp ứng với nhiều thú giải trí để người ta tiêu khiển. Với người Cơ đốc, chúng ta có quan niệm gì trong việc sử dụng thì giờ nhàn rỗi? Sự giải trí có phải là điều cần thiết không? Và theo tiêu chuẩn nào?

  1. DẪN GIẢI.
  2. SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC NGHỈ NGƠI.
  3. Chữ nhàn rỗi chỉ về thì giờ rảnh, thì giờ tự do đối với công việc. Trong tiếng Hy-lạp, chữ “nhàn rỗi” là schola và chữ “school”, (trường học) phát nguồn từ gốc chữ này. Như vậy chữ nhàn rỗi còn có nghĩa là thì giờ tự do để học hỏi theo sở thích. Trong xã hội
    Hy-lạp ngày xưa, chỉ những người quý phái giàu sang mới có thì giờ nhàn rỗi học hỏi. Trái lại, tầng lớp nô lệ chẳng bao giờ có thì giờ tự do cho chính mình!

Chữ “giải trí” chỉ về sự bồi bổ, phục hồi làm cho tươi mới lại sức lực và tinh thần sau công việc nhọc nhằn. Theo ý nghĩa này, nói chung con người trong cuộc sống mưu sinh cần có thì giờ nhàn rỗi, thì giờ nghỉ ngơi. Cũng theo ý nghĩa trên, giờ nhàn rỗi, giải trí không phải là một sự hoang phí, nhưng là một nhu cầu nếu biết sử dụng đúng mục đích của nó.

  1. Theo sự bày tỏ của Kinh Thánh, sau khi hoàn thành công cuộc sáng tạo sáu ngày, Đức Chúa Trời nghỉ công việc Ngài và đặt tên cho ngày nghỉ là ngày thánh (Sáng 2:1-3). Và trong thời Cựu ước, Đức Chúa Trời đã đặt ngày nghỉ thánh ấy trở thành điều răn cho dân Y-sơ-ra-ên (Xuất 20:8-11). Theo điều răn này, Đức Chúa Trời đã quy định cho dân sự luật làm việc và nghỉ ngơi. Trong tuần, sáu ngày làm việc mưu sinh và một ngày nghỉ cho Chúa, cũng gọi là ngày Sa-bát (thứ bảy). Sự nghỉ ngơi không những bao gồm người chủ lẫn tôi tớ, nhưng ngay cả súc vật giúp người trong công việc cũng được nghỉ ngơi. Việc nghỉ ngày thứ bảy vì là ngày Đức Chúa Trời nghỉ công việc sáng tạo, Ngài thánh hóa ngày ấy và ban phước cho loài người. Ngày nghỉ theo điều răn của Chúa là ngày được thánh hóa. Như thế có nghĩa ngày nghỉ ấy phải được dùng theo mục đích của Đức Chúa Trời. Theo tinh thần của điều răn, mục đích của ngày nghỉ có thể tìm thấy trong những điểm sau:

– Để ca ngợi, tôn vinh Đức Chúa Trời là Đấng tạo hóa chúng ta (Thi 100:1-3).

– Để học hỏi về Chúa và tìm kiếm Ngài (Lu-ca 4:16; Truyền 12:1).

– Để làm việc lành hữu ích cho người khác (Lu-ca 6:9).

– Để nghỉ ngơi, để sức khỏe tinh thần và thân thể được bồi bổ hầu sống làm vinh danh Đấng tạo hóa, và hưởng phước lành Ngài ban cho (Xuất 20:11; 1Côr 6:10-20).

Mục đích trên cho chúng ta thấy ngày nghỉ thánh, hay nói chung sự nghỉ ngơi theo luật định của Chúa nhằm đáp ứng nhu cầu của con người cả phần thuộc linh, tinh thần và thể xác. Vì vậy, sự nghỉ ngơi giải trí của người Cơ đốc cũng được xem là một nhu cầu đối với mục đích trên.

Trong thời gian thi hành chức vụ trên đất, Chúa Giê-xu cũng đã từng đem môn đồ Ngài đi “nghỉ ngơi một chút”, sau những công tác truyền giáo bận rộn mệt nhọc (Mác 6:31). Vì lẽ đó, Hội Thánh cũng nên lưu ý chăm sóc tín hữu trong nhu cầu này. Nếu không thể cung ứng những phương cách giải trí, thì ít ra cũng có lời hướng dẫn tín hữu trong đường lối giải trí lành mạnh để không rơi vào những thú vui tội lỗi của trần gian, làm cho giờ nhàn rỗi trở nên vô ích.

Mặc dầu với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, con người ngày nay không phải làm việc đầu tắt mặt tối 80 đến 90 giờ/tuần như ngày xưa, nhưng trên thực tế người ta vẫn thấy cuộc sống của mình quá bận rộn, không có thì giờ nghỉ ngơi! Tại sao?

Một trong những lý do là vì thì giờ của chúng ta bị vật chất hóa! Trong lĩnh vực kinh tế, có luật tương quan này: Càng sản xuất nhiều, người ta càng phải tiêu thụ nhiều! Như vậy có nghĩa là làm ra nhiều lợi tức, thì cũng phải mất nhiều thì giờ để tiêu thụ. Nên có thể nói rằng “sự sản xuất” của chúng ta cướp mất thì giờ nghỉ ngơi mà chúng ta cần có! Một lý do khác là vì cảm thấy nghỉ ngơi là phí thì giờ, chi bằng làm thêm thì có lợi hơn!

Tóm lại, mặc dầu trong xã hội ngày nay, hằng ngày chúng ta đương đầu với cuộc sống đầy bận rộn, nhưng đừng quên luật nghỉ ngơi Chúa đã qui định. Nếu trái luật này, chúng ta tự làm đảo lộn cuộc sống của mình và mất phước trước mặt Chúa. Theo điều răn của Chúa, dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa mỗi tuần có một ngày nghỉ làm việc. Ngày nay, trong tuần chúng ta có ít nhất một ngày hoặc nhiều hơn để nghỉ ngơi. Như thế chúng ta có nhiều thì giờ nhàn rỗi hơn! Tuy nhiên không có nghĩa dùng cả thì giờ nhàn rỗi cho việc nghỉ ngơi giải trí, nhưng thì giờ ấy còn phải được sử dụng cho những việc hữu ích khác theo mục đích tốt lành của Chúa đối với ngày nghỉ thánh. Trong bài này, chúng ta chỉ nói đến sự nghỉ ngơi trong khía cạnh giải trí mà thôi.

  1. TÍNH CHẤT VÀ NGUYÊN TẮC TRONG SỰ GIẢI TRÍ VUI CHƠI.

Qua phần thảo luận trên, chúng ta nhận thấy rõ sự nghỉ ngơi là một nhu cầu và trong sự nghỉ ngơi cần có sự giải trí vui đùa. Tuy nhiên, sự giải trí có thể là bổ ích hay gây hại cho sức khỏe và tinh thần là tùy ở tính chất của nó. Vì vậy, người Cơ đốc cần có tiêu chuẩn trong sự giải trí.

  1. Tính chất của sự giải trí.

– Trong tinh thần của “ngày nghỉ thánh”, thì giờ giải trí của người Cơ đốc cũng được hướng về mục đích “…hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời…”. Và sự giải trí vui đùa thế nào không gây hại cho sức khỏe thân thể, không làm ô uế cho tâm hồn (1Côr 10:31; 1Tê-sa-lô-ni-ca 5:23).

– Sự vui vẻ hưởng thụ công việc mình là phần thưởng của Chúa, sự vui chơi tận hưởng những ơn lành Chúa ban cho không có gì là sai. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng cảnh cáo những cuộc vui thú của xác thịt là việc dẫn đến phạm tội (Thi 118:24; Truyền 3:11-14, 2Sa-mu-ên 11:1-5).

– Có hai sự vui chơi khác nhau: Sự vui chơi theo tư dục xác thịt là sự vui chơi gây hại và phá hỏng tâm linh. Như dân Y-sơ-ra-ên vui chơi nhảy múa trước tượng bò vàng, sự vui chơi trong sự chối bỏ Chúa (Xuất 32:6; Ê-sai 5:11-12). Trái lại, con dân Chúa phải tìm sự vui chơi trong sự trong sạch, trong sự kính sợ Chúa (Phục 16:9-12). Sự vui vẻ trong đường lối này mới thật phước hạnh.

Nên biết rằng những thú vui trần gian cung ứng chỉ chóng tàn và chẳng bao giờ làm thỏa mãn tâm hồn. Vì vậy, những cuộc vui chơi của đời không phải là cứu cánh của niềm vui chúng ta. Sự giải trí của người Cơ đốc không phải vì mục đích mua vui, vì chúng ta đã có sự vui vẻ của Chúa ở trong lòng (Nê-hê-mi 8:10). Nhưng giải trí là cách để làm phấn khởi niềm vui, làm thoải mái tinh thần và bồi bổ sức lực để sẵn sàng trong cuộc sống phục vụ Chúa.

  1. Tiêu chuẩn của sự giải trí.

Để giữ vẹn tính chất và mục đích của sự giải trí, chúng ta nhớ vài nguyên tắc sau:

  1. Chọn những môn giải trí lành mạnh.
  2. Đánh giá môn giải trí hoặc phim ảnh, sách báo, thể thao… Phim tôi xem, loại sách tôi đang đọc, thể thao tôi đang chơi có lợi ích gì?
  3. Không dự vào những cuộc giải trí có tính chất cá độ tiền bạc. Những cuộc vui chơi như thế sẽ khêu dậy lòng ham muốn của xác thịt, là điều trái với tinh thần của người Cơ đốc (Ga-la-ti 5:20-21).
  4. Không giải trí quá độ: Thì giờ giải trí nên có giới hạn. Sự quá độ sẽ mất vui và làm cho thân thể mệt mỏi thay vì được hồi sức.
  5. Giải trí trong sự tin kính Chúa và làm sáng danh Ngài: Chẳng những chọn môn giải trí, chúng ta cũng cần lưu ý đến nơi chốn, môi trường giải trí có “lành mạnh” hay không? Và khi giải trí đừng quên chia sẻ niềm tin của chúng ta khi có cơ hội.
  6. PHƯƠNG CÁCH GIẢI TRÍ.

Có thể chia làm 2 loại:

  1. Giải trí cá nhân tùy theo sở thích của mỗi người, cũng như thích hợp với mỗi giai đoạn của tuổi tác.
  2. Giải trí cộng đồng: Hai hình thức thường thấy trong cách giải trí này là dã ngoại và cắm trại.

Tóm lược.

  1. Làm việc và nghỉ ngơi là luật của Chúa định vì nhu cầu của con người.
  2. Mục đích của sự nghỉ ngơi giải trí là bồi bổ lại sức khỏe và làm tươi mới lại tinh thần sau công việc mệt nhọc, để sống phục vụ Chúa.
  3. Sự giải trí của người Cơ đốc là sự giải trí có tính chất trong sạch và lành mạnh.
  4. Những điểm cần trong tiêu chuẩn giải trí của người Cơ đốc là: (1) Chọn lọc (2) Đánh giá (3) Tránh giải trí mang tính chất cá độ (4) Làm sáng danh Chúa.
  5. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  6. Xin tìm hiểu ý nghĩa của chữ: Nhàn rỗi – Giải trí.
  7. Trong công việc:
  8. Bạn cảm thấy có cần thì giờ giải trí không? Tại sao?
  9. Sau giờ phút giải trí, bạn thường có cảm giác như thế nào?
  10. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
  11. Sáng Thế Ký 2:1-3: Sau công việc sáng tạo trời đất, Đức Chúa Trời làm gì?
  12. Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11: Đức Chúa Trời đặt luật gì cho dân sự Ngài? Với mục đích gì?
  13. Theo điều răn trên, xin tìm hiểu tại sao cần có sự nghỉ ngơi?
  14. Mác 6:31: Chúa Giê-xu đưa môn đồ đến nơi vắng vẻ để làm gì? Tại sao?
  15. Sự giải trí và vui đùa của người Cơ đốc có tính cách gì? Và trên tiêu chuẩn nào?
  16. Xin đọc những câu Kinh Thánh sau đây và tìm hiểu:
  17. Sáng Thế Ký 2:1-3; Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11: Theo luật định của Chúa, thì ngày nghỉ có tính chất gì?
  18. Theo tính chất ấy, người Cơ đốc dùng thì giờ nhàn rỗi hướng về mục đích nào? (1Côr 10:31; 1Tê-sa-lô-ni-ca 5:23).
  19. Thi Thiên 118:24; Truyền Đạo 3:11-13: Sự vui vẻ hưởng thụ có gì là sai không? Tại sao?
  20. Truyền đạo 11:9: Bên cạnh sự vui chơi, Kinh Thánh có lời cảnh cáo gì?
  21. Xuất Ê-díp-tô Ký 32:6; Phục Truyền 16:9-12: Người Cơ đốc nên tránh cuộc vui chơi có tính chất nào? Và tìm sự vui chơi theo đường lối nào?
  22. 2Sa-mu-ên 11:1-5: Đa-vít đã dùng thì giờ nhàn rỗi như thế nào? Và dẫn đến hậu quả gì?
  23. Những phương cách nào thích hợp cho sự giải trí của người Cơ đốc?
  24. Xin bạn gợi ý một số các thứ tiêu khiển có thể dùng cho sự giải trí của người Cơ đốc (cá nhân và cộng đồng).
  25. Giờ nhàn rỗi của bạn có được dùng cho sự ích lợi của thân thể, tâm linh và làm vinh hiển danh Chúa không?

 

 

 

Post CommentLeave a reply