Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI.01.12.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI.01.12.2019

By H'Dên in NAM GIỚI on 25 Tháng Mười Một, 2019

Chúa nhật 01.12.2019.

  1. Đề tài: HÃY LÀM VIỆC LÀNH.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 16:1-9.
  3. Câu gốc: “Chớ quên việc lành và lòng bố thí, vì sự tế lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 13:16).
  4. Đố Kinh Thánh: Sáng thế ký 13-16.
  5. Thể loại: Thuyết trình.

* CHỈ DẪN: (Xem chỉ dẫn Chúa nhật ngày 11/08/2019).

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

            Cứu trợ anh em nghèo thiếu là điểm son sáng chói được thấy trong việc lành của các Hội Thánh thế kỷ đầu tiên.

            Điều này đã được Phao-lô khuyến khích, chỉ dẫn các tín hữu Cô-rinh-tô như thế nào và có tương quan gì đến chức vụ của Phao-lô?

  1. DẪN GIẢI.
  2. Giúp đỡ các thánh đồ (16:1-4).

            Sự quyên giúp các thánh đồ ở Giê-ru-sa-lem đã bắt đầu từ Hội Thánh An-ti-ốt, Hội Thánh đầu tiên của dân ngoại. Khi các tín hữu được Đức Thánh Linh khải thị cho biết sẽ có cơn đói kém xảy ra, họ liền họp nhau quyên trợ cho các thánh đồ. Số dâng này được Phao-lô và Ba-na-ba đại diện đem đến giúp các thánh đồ tại Giê-ru-sa-lem (Công vụ 11:27-30).

            Từ đó, với tư cách là “sứ đồ của dân ngoại”, sự cứu trợ các thánh đồ ở Giê-ru-sa-lem có thể xem là một phần trong chức vụ của Phao-lô, là công việc được Phao-lô xếp đặt và chỉ dạy trong các Hội Thánh ngoại bang nhiều nơi (c.1).

            Chữ “bố thí” (tặng phẩm) trong c.3 theo nguyên văn Hy-lạp là Koinonia. Chữ này còn có nghĩa là thông công, được dùng trong Công vụ 2:46. Đây không phải là mối liên hệ xã giao, nhưng là mối tương giao sâu nhiệm của người tín hữu. Một sự thông công hai chiều: Với Chúa và với nhau, và qua sự cảm thông của Đức Thánh Linh, đã buộc chặt các tín hữu với nhau, đến nỗi họ hiệp làm một, và cùng chia sẻ với nhau trong cuộc sống. Mối dây thông công nầy không phải chỉ trên phương diện tinh thần, nhưng có liên quan đến các sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Chữ Koinonia trong tiếng Aram là habhura chỉ về sự thông công nơi bàn tiệc. Như vậy trong mối thông công nầy nảy ra hành động cứu giúp hay bố thí. Nghĩa cử cao đẹp nầy không phải vì lòng trắc ẩn, nhưng hàm chứa một bổn phận thiêng liêng của tình huynh đệ đối với người cùng trong dòng huyết của Chúa Giê-xu.

            Theo ý nghĩa trên, sự bố thí cho các thánh đồ là việc vừa tình nguyện cũng vừa bắt buộc như điều Phao-lô định liệu cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Theo đó:

            – Tiền cứu trợ được thu vào mỗi đầu tuần lễ, tức là ngày Chúa nhật khi Hội Thánh nhóm lại.

            – Số tiền giúp đỡ là “tùy sức mình”. Chữ “chắt lót” bày tỏ tinh thần giúp đỡ của người trong tình anh em với sự “chia cơm sẻ áo”. Đây không phải là của dư nhưng là sự dành dụm từng đồng, từng ngày, một sự trích ra từ số lợi tức cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày vì cớ tình yêu thương anh em (c.2).

            – Cử đại diện đem của dâng (c.3). Những người này hoặc đi với thơ gởi gắm của Phao-lô, hoặc cùng đi với Phao-lô đến Giê-ru-sa-lem.

            Đối với Phao-lô, sự giúp đỡ các thánh đồ ở Giê-ru-sa-lem là việc làm hợp lẽ. Vì theo nguyên tắc: Kẻ gieo của thuộc linh, ắt thâu lại của vật chất (1Cô 9:11). Do đó, các Hội Thánh ngoại bang tự nguyện tương trợ các thánh đồ ở Giê-ru-sa-lem là điều tốt. Nhưng mặt khác, họ cũng mắc nợ nữa vì các tín hữu ngoại bang đã có phần về của cải thiêng liêng nơi người Do-thái, thì cũng phải lấy của cải vật chất mà giúp cho tín hữu Do-thái vậy (Rô-ma 15:25-27).

  1. Thăm viếng các tín hữu (c.5-9).

            Khi viết thơ cho Hội Thánh Cô-rinh-tô, Phao-lô đang ở tại Ê-phê-sô. Từ đó, Phao-lô đã hoạch định chương trình thăm viếng các tín hữu trong Hội Thánh Ma-xê-đoan, Cô-rinh-tô và trở về Giê-ru-sa-lem. Mặc dầu Phao-lô nôn nả với dự tính ấy, nhưng ông đã đặt chương trình của mình dưới bốn chữ quan trọng: “Nếu Chúa cho phép”. Điều nầy cho thấy Phao-lô đặt ý Chúa trước ý riêng và luôn sẵn sàng thuận phục ý Ngài. Mọi dự tính, mọi chương trình của chúng ta có đặt trong lời cầu nguyện “xin ý Cha được nên” không? Và có sẵn sàng từ bỏ nếu Chúa không cho phép không?

TÓM LƯỢC.

            Trong mối thông công anh em trong Chúa, không thể nào không có sự tương trợ nhau.      Sự tương trợ anh em trong Chúa không phải chỉ việc làm tự nguyện nhưng còn là việc làm bổn phận của tình yêu thương. Việc làm của tình yêu thương chắc chắn không phải là việc làm vô ích trước mặt Chúa.     Người nhận của thuộc linh, đừng quên trả lại của vật chất (Ga-la-ti 6:6).        Người vâng phục ý muốn Chúa có thể hoạch định chương trình cho mình, nhưng cũng sẵn sàng từ bỏ chương trình ấy.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Xét theo diễn tiến lời khuyên “hãy làm công việc Chúa cách dư dật” trong 15:58, Phao-lô ám chỉ về điều gì? (16:1).
  3. Theo 16:1, sự cứu trợ các thánh đồ ở Giê-ru-sa-lem là việc chỉ dành riêng cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô hay có chương trình cho các Hội Thánh khác?
  4. Chương trình nầy được Phao-lô định liệu thế nào? (16:3-4). Tại sao Phao-lô quan tâm đến công việc cứu trợ các thánh đồ ở Giê-ru-sa-lem? (Công vụ 11:27-30; 1Côr 9:11).
  5. Trong câu 2, công việc cứu trợ các thánh đồ được Phao-lô hướng dẫn thế nào? Đây là điều bắt buộc hay tình nguyện? Tại sao?
  6. Chữ “chắt lót” trong câu 2 có ý nghĩa gì? Và diễn tả được tinh thần gì của sự cứu trợ anh em trong Chúa với nhau?
  7. Từ câu 5-9, mặc dầu Phao-lô có chương trình thăm viếng Hội Thánh Cô-rinh-tô nhưng chương trình ấy còn phải tùy thuộc vào yếu tố nào? Điều nầy cho chúng ta thấy Phao-lô là người thế nào? (c.7).

 

 

 

Post CommentLeave a reply