Latest News From Our Blog

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI. 24.11.2019

CHƯƠNG TRÌNH THỜ PHƯỢNG BAN NAM GIỚI. 24.11.2019

By H'Dên in NAM GIỚI on 18 Tháng Mười Một, 2019

Chúa nhật 24.11.2019 (Lễ Tạ ơn).

  1. Đề tài: LẼ MẦU NHIỆM CỦA SỰ SỐNG LẠI.
  2. Kinh Thánh: 1Cô-rinh-tô 15:35-58.
  3. Câu gốc: “Tạ ơn Đức Chúa Trời đã cho chúng ta sự thắng, nhờ Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta” (1Cô-rinh-tô 15:57).
  4. Đố Kinh Thánh: Sáng thế ký 9-12.
  5. Thể loại: Chia sẻ.

* CHỈ DẪN: Xem chỉ dẫn Chúa nhật ngày 07/07/2019.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Sau những dẫn chứng về sự sống lại của người Cơ đốc, căn cứ trên thực sự về sự sống lại của Đấng Christ. Phần cuối cùng, Phao-lô đã hé mở sự mầu nhiệm của sự sống lại trong sự biến hóa thân thể. Chân lý diệu kỳ nầy đã được Phao-lô giãi bày như thế nào? Và đem đến cho Cơ Đốc nhân niềm khích lệ gì?

  1. DẪN GIẢI.
  2. Bản chất sự sống lại của kẻ chết (c.35-49).

Sự sống lại của thân thể là điều vượt qua lý trí của con người: Kẻ chết sống lại thế nào? Lấy hình thể nào mà sống lại? Đó là điều thắc mắc trong vòng người tín hữu Cô-rinh-tô.

Để giải đáp thắc mắc trên, trước hết Phao-lô nêu lên hai nguyên lý của sự sống lại trong cõi thiên nhiên về hạt giống:

(1) Vật gieo xuống phải chết trước thì mới sống lại được (c.36). Nguyên lý nầy cũng được Chúa Giê-xu nói đến để ám chỉ về sự sống lại của Ngài trước khi Ngài chịu chết trên thập tự giá (Mat 12:24).

(2) Vật sinh ra có hình thể không giống hình thể của vật đã gieo (c.37). Trong nguyên lý này Phao-lô dẫn chứng cho thấy chẳng những các loài thảo mộc có hình thể khác nhau, mà mọi loài xác thịt trên đất, cả đến các thiên thể trên không đều có hình thể khác với nhau. Và tất cả những hình thể khác nhau của mọi giống, mọi loài đều là do Đức Chúa Trời ban cho tùy theo ý muốn Ngài (c.38-41).

Qua hai nguyên lý trên, Phao-lô luận đến sự sống lại của Cơ Đốc nhân.

So sánh chữ “gieo” trong câu 36 với chữ “gieo” trong câu 42 được Phao-lô nói đến theo nghĩa bóng chỉ về sự sinh ra, chớ không có nghĩa là sự chôn của thân thể. Trong nghĩa nầy, Phao-lô so sánh hai bản thể khác nhau của người thuộc A-đam thứ nhất và A-đam thứ hai, tức là Chúa Giê-xu.

Theo câu 45 “người thứ nhất là A-đam đã nên linh hồn sống”. Chữ “linh hồn sống” chỉ về loài sanh linh, tức là người được Chúa ban cho sự sống của Ngài (Sáng 2:7). Khác với A-đam thứ nhất là người nhận sự sống, A-đam thứ hai, Chúa Giê-xu là Đấng ban sự sống.

TRONG A-ĐAM THỨ NHẤT TRONG A-ĐAM THỨ HAI
  Người sinh ra là:                           Người sống lại là:
– Nhục – Vinh
– Yếu – Mạnh
– Bởi đất mà ra và thuộc về đất                              – Bởi trời mà ra và thuộc về trời
– Thể khí huyết – Thể thiêng liêng
– Hay hư nát – Không hay hư nát

Như hạt giống sẽ không sống lại nếu không chết. Cũng vậy, thể thiêng liêng chẳng đến trước thể khí huyết.         Như vật sống lại không có hình thể giống như vật đã gieo thì kẻ sống lại mặc lấy thể thuộc linh chớ không phải mặc lấy hình thể khí huyết.

Chữ “hình thể thiêng liêng” theo các nhà giải kinh cho rằng đây không có nghĩa là hình thể vô chất, nhưng chỉ về hình thể của kẻ sống lại không đến từ bụi đất, nhưng đến từ thiên đàng. Như các môn đồ có thể nhận diện Chúa Giê-xu khi Ngài sống lại, nhưng thân thể vinh hiển của Ngài không bị giới hạn bởi vật chất và không gian vì Ngài đã vào và hiện giữa các môn đồ đang khi họ nhóm họp và đóng cửa chặt (Giăng 20:19-29).

  1. Sự biến hóa của thân thể (c.50-58).

Từ câu 50-52, Phao-lô đã hé mở cho thấy lẽ mầu nhiệm của sự sống lại. Đó là sự biến hóa thân thể của kẻ còn đang sống lúc Chúa trở lại. Sự biến hóa nầy là điều cần thiết. Vì cớ “thịt và máu chẳng hưởng nước Đức Chúa Trời được, sự hư nát không hưởng sự không hay hư nát được” (c.50).

Sự biến hóa thân thể được Phao-lô diễn tả theo diễn tiến thứ tự như sau:

Khi tiếng kèn thổi trong ngày Chúa tái lâm:

– Kẻ chết sẽ sống lại trong thể không hay hư nát.

– Kế đến, kẻ hiện đang sống sẽ biến hóa để họp với những kẻ sống lại cũng được cất lên với Chúa (1Tê 4:16-18). Sự biến hoá thân thể là một biến cố diệu kỳ sẽ được xảy ra cách nhanh chóng “trong giây phút, trong nháy mắt” (c.51-52).

Khi tất cả kẻ tin được mặc lấy thân thể vinh hiển không hay hư nát thì:

– Đây là giờ phút đánh dấu cho sự đắc thắng lớn của người Cơ đốc. Đó là đắc thắng sự chết mà Đấng làm cho chúng ta đắc thắng là Cứu Chúa Giê-xu Christ (c.53-57).

– Đây là giờ phút ứng nghiệm của lời Kinh Thánh rằng: “Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng. Hỡi sự chết, sự thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu?” (c.54,55; Ê-sai 25:8; Ô-sê 13:14).

– Đây là giờ phút kỳ diệu nhất, vui mừng nhất của người Cơ đốc về sự cứu chuộc của thân thể mà chúng ta hằng trông mong và hy vọng như điều Phao-lô nói đến trong Rô-ma 8:22-23: “Vì chúng ta biết rằng muôn vật đều than thở và chịu khó nhọc cho đến ngày nay; không những muôn vật thôi, lại chúng ta, là có trái đầu mùa của Đức Thánh Linh, cũng than thở trong lòng, đang khi trông đợi sự làm con nuôi, tức là sự cứu chuộc thân thể chúng ta vậy”.

Chúng ta đang mong đợi ngày giải cứu lớn ấy không? Và thái độ tích cực của niềm hy vọng ấy là “hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn” như trong lời khuyên của Phao-lô khi chấm dứt đoạn thơ giãi bày giáo lý về sự sống lại.

            Tóm lược: Nền tảng niềm tin của người Cơ đốc là Chúa Giê-xu Christ, Đấng sống lại. Người có niềm tin nơi Đấng sống lại thì chắc sẽ có hy vọng về sự sống lại của mình nơi Đấng đã sống lại.             Trong niềm tin và hy vọng trong Đấng Christ, sự chết chỉ là một giấc ngủ.

  1. CÂU HỎI SUY GẪM VÀ ỨNG DỤNG.
  2. Từ câu 35-41, Phao-lô đã dùng những dẫn chứng nào để trả lời câu hỏi: “Người chết sống lại thể nào, lấy xác nào mà trở lại?”
  3. Qua những dẫn chứng trên cho thấy Đức Chúa Trời đã đặt những định luật nào trong cõi thiên nhiên về sự sống lại và hình thể của sự sống lại?
  4. Theo những định luật ấy Phao-lô ứng dụng thế nào về thể chất của kẻ sống lại? (c.42-49).
  5. Từ câu 42-50, so sánh thể chất của người sau khi sống lại với thể chất của người trước khi sống lại khác nhau thể nào? (thể chất của kẻ thuộc dòng dõi A-đam thứ nhất và thể chất người thuộc dòng dõi A-đam thứ hai).
  6. Sự biến hóa của thân thể sẽ xảy ra lúc nào và như thế nào? (c.52).
  7. Tại sao giờ phút biến hóa thân thể được Phao-lô xem đó là biến cố đánh dấu sự đắc thắng của người Cơ đốc? (c.51-57).
  8. Kết thúc giáo lý về sự sống lại của thân thể, Phao-lô có lời khuyến khích các tín hữu Cô-rinh-tô điều gì? Tại sao?

 

 

 

 

 

Post CommentLeave a reply